Chuyện từ cây cao su

Thao thức cùng cao su
Chuyện từ cây cao su

Tổng diện tích cao su của tỉnh Bình Phước hiện nay đã lên đến 225.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 126.632ha, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Với diện tích, năng suất và sản lượng mủ cao su hàng năm như thế, Bình Phước đang dẫn đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng mủ cao su. Tuy nhiên, với mức độ giảm giá mạnh như hiện nay đã làm toàn ngành cao su Việt Nam nói chung và người trồng cao su nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Cưa hạ vườn cao su 10 tuổi để trồng cây bơ và sầu riêng.

Cưa hạ vườn cao su 10 tuổi để trồng cây bơ và sầu riêng.

Thao thức cùng cao su

Thức dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để cạo 2ha cao su, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Phú Tiến, xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập thu được 30kg mủ, bán được 300.000 đồng. Với giá mủ 290 đồng như hiện nay, bình quân mỗi tháng, 2ha cao su của gia đình anh Hùng cho thu nhập hơn 4 triệu đồng. Tương tự như anh Hùng, gia đình của anh Lê Thanh Lâm ở tại thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng cũng chỉ thu được ngần ấy tiền với tổng diện tích 2ha cao su. Hai anh cho biết, nếu giá cao su như hiện nay, nhà nông chỉ còn biết lấy công làm lời, với những ai thuê công cạo mủ hoặc đầu tư phân thuốc nhiều cho vườn cây thì không còn gì để ăn.

Nhà máy chế biến mủ cao su Phương Hậu thuộc xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh ra đời cách đây hơn 5 năm, công suất chế biến mỗi ngày hơn 40 tấn sản phẩm các loại và nhà máy đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng dành riêng cho hệ thống xử lý nước thải. Các sản phẩm của nhà máy phần lớn xuất sang các nước Tây Âu. Mỗi năm, nhà máy này đã giải quyết gần 200 lao động là con em của địa phương, đồng thời nhà máy cũng tổ chức thu mua mủ cao su giúp nông dân giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. “Từ đầu năm 2013 đến nay, nhà máy này đã tồn kho cả 100 tấn mủ thành phẩm vì giá mủ trên thị trường xuống thấp nhưng nhà máy phải hoạt động vì công nhân cần lương để sống, nông dân cũng cần bán sản phẩm nông nghiệp của mình để đong gạo. Chính những yếu tố này, dù giá mủ trên thị trường có xuống thấp đến mấy nhà máy cũng phải bán để xoay chuyển đồng vốn. Chỉ tội cho người nông dân một nắng hai sương không được hưởng lợi gì”, chị Đặng Thị Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phương Hậu, chia sẻ.

Giá thị trường lên xuống từ xưa tới nay là chuyện không có gì mới. Cái mới là chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể cho cây cao su để có chiến lược phát triển một cách bền vững. Theo giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung, 80% lượng mủ của các tiểu thương mang đến nhà máy đều có pha lẫn tạp chất. Việc pha lẫn tạp chất vào mủ cao su chỉ vì lợi ích của một vài người nhưng đã vô tình bóp chết thương hiệu cao su Việt Nam.

Đã nhiều năm qua, giá mủ cao su Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu đều thấp hơn Thái Lan 4%. Chỉ cần mức chênh lệch 2.000 đồng/kg thì mỗi năm ngành cao su mất không cả ngàn tỷ đồng. Giá thấp hay chuyện pha lẫn tạp chất vào mủ cao su cuối cùng thì nông dân cũng lãnh đủ. Để triệt tiêu tình trạng pha lẫn tạp chất vào mủ cao su, nhà máy chế biến trung tâm thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã phải cắt cử hẳn một đội kiểm tra hết sức gắt gao để loại trừ tình trạng pha tạp chất vào mủ kiếm lời bất chính. Nhờ cách làm này mà thương hiệu các sản phẩm của công ty không bị thị trường tiêu thụ ép giá.

Cần một hướng đi mới

Để tự cứu lấy mình trước khi cây cao su mất giá, năm 2012, anh Dụng Văn Đông ở ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã tự cưa 8ha cao su 10 năm tuổi đang trong thời kỳ khai thác vàng son của mình để trồng cây ăn trái. Ngay thời điểm anh cưa cây cao su ai cũng bảo đầu óc anh không bình thường. Thế nhưng với cách nhìn xa trông rộng của một nhà nông, việc cưa hạ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác là điều khá hợp lý.

Hiện nay, giá mủ cao su chỉ còn 14.000 đồng/kg mủ tươi thì khoản lợi nhuận chỉ còn 40 triệu đồng/ha/năm. So với nhiều loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng, măng cụt thì lợi nhuận từ cây cao su thua xa. Đặc biệt được thiên nhiên ưu đãi nên các loại cây ăn trái của tỉnh Bình Phước thường chín sớm hơn ở những tỉnh thành khác trong cả nước. Nhờ yếu tố này nên giá trị cây ăn trái trên địa bàn tỉnh có thể cao gấp 3 lần so với cây cao su.

Còn theo kỹ sư Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Bình Phước thì ngoài lý do thị trường tiêu thụ trên thế giới có nhiều bất ổn, một phần không nhỏ từ những tư tưởng “ăn xổi ở thì” đã làm cho chất lượng các sản phẩm của cao su Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Mặt khác, việc phát triển diện tích một cách ồ ạt đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu kéo theo tình trạng rớt giá sản phẩm.

Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm của cây cao su, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hoạch định, tính đến việc chế biến hàng hóa từ nguyên liệu của cây cao su để nâng cao giá thành của loài cây mang tính đặc thù của tỉnh Bình Phước.

ĐÔNG KIỂM


Tây Nguyên phá bỏ hàng trăm hécta cao su

Trước tình trạng giá mủ cao su xuống thấp, những tháng qua, dù vườn cao su chỉ mới vừa cho thu hoạch 1 - 2 năm nhưng nông dân các huyện Chư Prông, Đăk Đoa (Gia Lai), Đăk Hà, Sa Thầy (Kon Tum), Đăk R’lấp, Đăk Song (Đắk Nông)… đã phá bỏ hàng loạt để trồng cây khác.

Diện tích cao su ở các tỉnh Tây Nguyên bị đốn hạ có đến hàng trăm hécta. Hộ thấp cũng trên 1ha, còn đa số từ 3 - 5ha trở lên. Ngần ấy cao su bị phá bỏ, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo nông dân, giá cao su hiện rất “rẻ mạt”, không đủ chi phí, lại không có đầu ra nên chặt bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc trồng cao su theo kiểu phong trào, trồng ồ ạt vào thời điểm giá cao su tăng cao, đến khi phát hiện chất lượng cây giống không đảm bảo, năng suất mủ thấp, thổ nhưỡng không phù hợp, lại ồ ạt chặt bỏ.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục