Chuyển tư duy ''hành hạ'' sang hành động!

Sáng 29-6, Hội nghị về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) đã diễn ra tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM và gần 200 DN, đại diện các Hiệp hội DN tham dự.
Chuyển tư duy ''hành hạ'' sang hành động!

Sáng 29-6, Hội nghị về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) đã diễn ra tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM và gần 200 DN, đại diện các Hiệp hội DN tham dự.

Giải quyết chuyện của doanh nghiệp, phải nghe từ doanh nghiệp

Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM xác định các nhà đầu tư, DN là đội ngũ có những đóng góp to lớn trong xây dựng và hiện đại hóa đất nước. “Thành phố xem DN, nhà đầu tư không chỉ là đối tượng quản lý mà còn là đối tượng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Vì sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của thành phố” - đồng chí Nguyễn Thành Phong nói. Đại diện các DN phản ánh, hiện nay họ đang “tự bơi” nên không cạnh tranh nổi khi hội nhập.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN kiến nghị thành phố hỗ trợ xây dựng một trung tâm thời trang để các DN dệt may có “sân chơi”. Đại diện Hiệp hội Da giày cũng mong muốn: “Chúng tôi có tiền, chỉ mong thành phố bố trí cho xây dựng một trung tâm thời trang. Muốn hội nhập và đi vào chuỗi cung ứng thì phải có sân chơi. Chúng tôi chỉ xin chủ trương chứ không xin tiền”.

Sản xuất bóng đèn compact xuất khẩu tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang (Ảnh: CAO THĂNG)

Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh, cho rằng các DN của hội đang quan tâm chuyện đầu ra sản phẩm. Hội chỉ có các DN sản xuất nên gặp khó khăn trong hệ thống phân phối. Hiện các “đại gia” phân phối lớn trên thế giới đang thâm nhập, thâu tóm thị trường bán lẻ VN, như ở hệ thống Metro, đến 80% là hàng Thái. Nguyên nhân, các nước có chính sách kết nối 4 thành phần (nhà nước, ngân hàng, DN lớn, DN nhỏ và vừa) còn chúng ta thì rời rạc nên yếu thế.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Quản lý kinh tế TPHCM cho rằng, ngay gói 100.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa, cuối cùng ai được, phải công khai minh bạch. Phải đề cao sự giám sát của người dân và DN. Muốn giải quyết vấn đề của dân, của DN thì phải lắng nghe dân và DN muốn gì. Chẳng hạn như hiện VN có 200.000 trí thức thất nghiệp, nhưng không ai trả lời được họ là ai, đang ở đâu, chính sách thu hút nhân tài thế nào…

Phản ánh những bất nhất trong các văn bản pháp luật, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện thành phố cho biết, luật thuế mới thông qua quy định máy móc nhập khẩu có thuế suất bằng 0%, nhưng khi các DN cơ khí nhập “linh kiện” để sản xuất thì vẫn bị đánh thuế. Thông tư 23 quy định nhập máy đã qua sử dụng chỉ có tuổi thọ tối đa 10 năm, trong khi theo thống kê thì các loại máy có tuổi thọ 10 năm chỉ chiếm 10% trên thị trường máy cũ.

“Quy định như vậy hạn chế đến 90% thị trường này, khi hội phản ánh với Bộ Khoa học Công nghệ thì bộ này “đá” sang Bộ Công thương, đến Bộ Công thương thì bị “đá” lại Bộ Khoa học Công nghệ. Luật ban hành các văn bản điều chỉnh hoạt động của DN mà duy ý chí, không lắng nghe DN nên gây khó khăn cho DN phát triển”, ông Tống nói.

Đừng để khủng hoảng niềm tin…

Các đại biểu góp ý, các nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu rất “đẹp” nhưng triển khai vào thực hiện lại kém. Mặc dù Nghị quyết 35 lần này tập trung vào phát triển DN, tham vọng trong 4 - 5 năm phải tăng gấp đôi từ 500.000 DN lên 1 triệu DN, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải đóng góp gần 50% GDP; ít nhất 30% DN phải có hoạt động đổi mới sáng tạo; đến 2017 VN phải là một trong 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất Asean… Thế nhưng, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng.

Chế biến há cảo xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (Ảnh: CAO THĂNG)

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Quản lý kinh tế TPHCM cho rằng, chúng ta đặt chỉ tiêu phát triển về số lượng DN nhưng không tính đến sự đóng góp của DN. Hiện 50% số DN khối tư nhân không nộp thuế, không hoạt động, thậm chí còn lừa đảo, bán hóa đơn. Mỗi năm có 20.000 tỷ đồng thất thu thuế, vậy tại sao không ngăn chặn? Nhiều đại biểu tỏ ra nghi ngờ hiệu quả việc triển khai Nghị quyết 35, bởi trước đây Thủ tướng có một chỉ thị liên quan nhưng cũng không thấy các bộ ngành thực hiện. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, DN VN đang khủng hoảng niềm tin. DN chưa tin nhà nước, không tin là bộ máy sẽ làm được những gì đã hứa.

Ông Dũng đề nghị, phải chuyển tư duy “hành hạ” sang tư duy hành động, phục vụ thì mới kích thích nền kinh tế phát triển. Phải tiêu chuẩn hóa, công khai, minh bạch, phải lắp camera, người dân giám sát, kiểm tra chéo… thì mới xóa được tư duy “hành hạ” DN trong đội ngũ cán bộ công chức.

Trao đổi tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết, lãnh đạo thành phố sẽ là người bạn đồng hành kề vai sát cánh cùng DN. Cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả DN không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của thành phố. TPHCM sẽ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đó để tạo ra một bệ đỡ cho sự phát triển của DN. Ngoài ra, thành phố cũng tạo mọi điều kiện để người dân khởi nghiệp, kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

HÀN NI

***

TPHCM quyết tâm cải thiện chỉ số cạnh tranh

Ngày 29-6, tại hội nghị nâng cao chỉ số cạnh tranh của TPHCM, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã khẳng định, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thành phố (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI) cạnh tranh hiện tại.

Thực tế cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, nhiều chỉ số PAPI và PCI của thành phố đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, chỉ số PAPI của thành phố có tới 2 nội dung có điểm dưới mức trung bình là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (đạt 4,27/10 điểm) và “trách nhiệm giải trình với người dân” (đạt 4,97/10 điểm); 2 nội dung chỉ trên mức trung bình một chút là “ công khai minh bạch” đạt 5,41/10 điểm và “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 5,14/10 điểm, 2 chỉ số “cung ứng dịch vụ công” và “thủ tục hành chính công” trên trung bình, đạt từ 7 điểm trở lên.

Mặt khác, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM chưa ổn định, thiếu bền vững. Nhìn tổng thể trong 5 năm 2011 - 2015 thành phố có 7/10 chỉ số thành phần luôn có điểm số dưới mức trung bình so với cả nước. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần có thứ hạng trong nhóm thấp nhất và không có sự cải thiện đáng kể gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo, thiết chế pháp lý. Ngoài ra, chỉ số PAPI của thành phố trong 5 năm qua do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam công bố năm sau cũng tụt hạng so với năm trước, từ thứ 18 năm 2011 rơi xuống vị trí 47 năm 2015. Đáng chú ý, có hai chỉ số nội dung dưới điểm trung bình là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân.

Để cải thiện thực tế trên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, ngày 28-6, UBND TPHCM đã ban hành 2 quyết định gồm Quyết định 3292/QĐ-UBND về kế hoạch kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện Chỉ số PAPI trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 3293/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của thành phố.

Theo đó, mục tiêu của 2 quyết định trên nhằm xây dựng chính quyền gần dân hơn, phục vụ dân và doanh nghiệp không điều kiện, trên tinh thần hết sức cầu thị, sẵn sàng nhận lỗi và khắc phục để phục vụ tốt hơn; tập trung cải thiện nâng cao điểm số của 6 nội dung đánh giá của chỉ số PAPI và nâng cao Chỉ số PCI của thành phố.

Hiện UBND TP cũng đã yêu cầu, chậm nhất đến 15-7, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan phải triển khai, quán triệt tới từng cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc thực hiện kế hoạch trên. Đặc biệt là tại các cấp cơ sở phải nghiêm túc đẩy mạnh thực hiện nội dung công khai hoạt động để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân. Công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ người dân.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục