Vụ Công ty Đinh Tị nhanh chóng đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi và thu hồi cuốn sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non - tập 6 (do Nhà xuất bản (NXB) Mỹ Thuật và Đinh Tị liên kết xuất bản) tạm coi kết thúc có hậu, khác với nhiều vụ thu hồi sách nhưng với đủ kiểu phân bua, tranh cãi và chỉ chấm dứt khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Lý do chính thức của lần thu hồi sách này là do trong sách có nhiều chi tiết không phù hợp với trẻ thơ, đặc biệt có một số bài đồng dao mang nội dung được cho không đứng đắn. Những bài đồng dao đó vốn dĩ khá quen thuộc trong văn hóa truyền miệng nhưng khi đưa vào sách giáo dục thiếu nhi thì rõ ràng không phù hợp, đặc biệt với bạn đọc nhỏ tuổi, thiếu nhi.
Những năm gần đây, việc phải thu hồi sách vì những lỗi kiểu như thế không còn quá xa lạ, thậm chí còn trở nên quen thuộc. Vậy do đâu những lỗi rất dễ phát hiện này lại có thể lọt ra được thị trường? Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng nguyên nhân chính mà không ai có thể phủ nhận là hệ thống biên tập viên (BTV), những người có nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc sàng lọc một tác phẩm, đang có vấn đề.
Điều này cũng không phải mới lạ. Trong các bản tổng kết ngành xuất bản, sự yếu kém của đội ngũ BTV luôn được nhắc đến nhiều nhất. Chính vì thế trong Luật Xuất bản sửa đổi đã dành một phần chi tiết để quy định về lĩnh vực biên tập, từ trình độ, bằng cấp đến trách nhiệm chuyên môn.
Thế nhưng quy định trách nhiệm, yêu cầu thì nhiều mà đãi ngộ lại không được nhắc đến bao nhiêu. Thu nhập của BTV ở các NXB luôn bị kêu ca là không xứng đáng với công sức thật sự bỏ ra. NXB lớn, làm việc tốt còn đỡ, các NXB nhỏ, yếu, thu nhập của BTV thuộc loại gần như thấp nhất. Trong khi đó, các đơn vị làm sách tư nhân chân chính thì lại hiểu rõ vai trò quan trọng của BTV đối với sự thành công của tác phẩm. Thế là xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” ở các NXB, BTV giỏi, có trình độ bỏ NXB để đi làm ở các đơn vị làm sách tư nhân, nơi họ nhận được sự tôn trọng xứng đáng từ trong công việc đến đãi ngộ vật chất.
Kết quả, các NXB thiếu hụt nghiêm trọng BTV, đặc biệt là những người có chuyên môn cao. Tấm lưới sàng lọc trở nên thưa thớt, mong manh hơn bao giờ hết. Có thể lấy ví dụ ngay với cuốn sách đồng dao vừa bị thu hồi, như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, thay vì để nguyên “Bà gì?/Bà ngoại/Ngoại gì?/Ngoại xâm…” thì chuyển thành “Bà gì?/Bà nội/Nội gì/Nội tình/Tình gì?/Tình yêu/Yêu gì?/Yêu nước/Nước gì? Nước Việt/Việt gì? Việt Nam”… vấn đề đã chẳng có gì để nói. Nếu có một đội ngũ BTV giỏi chuyên môn đã có thể nhanh chóng phát hiện ra những sơ sót kiểu này để từ đó kiến nghị với người biên soạn, làm sách có thay đổi phù hợp.
Luật Xuất bản mới hướng đến xây dựng một nền xuất bản chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân. Thế nhưng, không thể có một nền xuất bản chuyên nghiệp nếu thiếu những người làm xuất bản chuyên nghiệp và không thể có những người chuyên nghiệp nếu không có một cơ chế, chính sách từ đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ chuyên nghiệp. Chỉ cần thiếu một mắt xích thì khái niệm chuyên nghiệp có lẽ còn quá xa vời.
TƯỜNG VY