
Pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cổng dinh Độc Lập 34 năm về trước là ông Ngô Sỹ Nguyên, năm nay đã 57 tuổi. Ông Nguyên chính là người đã quyết định cho xe tăng “tông” thẳng vào cánh cổng chính khi bắt gặp “một tòa nhà… giống dinh Độc Lập”. Ông bảo: “Trong tấm ảnh vô giá mà nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder chụp vào đúng trưa 30-4-1975, người ngồi trên nóc xe tăng, to con nhất chính là tôi”.
Thời khắc vỡ òa hạnh phúc
Khi chúng tôi gặp ông đang ở trong Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị áp xe phổi, ông bảo “sức khỏe của tôi đang xuống lắm”. Dẫu vậy, khi được hỏi về ký ức ngày 30-4, ông lại say sưa, hồ hởi kể như quên cả ốm đau, bệnh tật.
Ông kể: “Sau khi tiêu diệt hoàn toàn địch ở căn cứ Nước Trong, 5g sáng ngày 30-4, chúng tôi được lệnh tiến thẳng hướng cầu Sài Gòn. Lúc vừa đến cầu Sài Gòn, địch ở bên kia bắn ra dữ dội. Một chiếc xe tăng trước mặt chúng tôi đã bị đích bắn “bị thương”.
Lúc chúng tôi đang triển khai đội hình thì bất ngờ trên đầu xuất hiện một máy bay A37. Lúc đó, chúng tôi đoán rằng, chiếc máy bay định đánh bom cầu để cắt đứt mạch tiến vào Sài Gòn của quân ta. Ngay lập tức, chúng tôi bắn buộc chúng quay ngược trở lại và nhanh chóng phi thẳng qua cầu.
Vừa qua khỏi cầu thì pháo và đạn từ phía trước tiếp tục bắn như mưa. Hai chiếc xe tăng M41 của địch lù lù xuất hiện định chống cự nhưng chúng chưa kịp xoay xở thì chúng tôi đã bắn cháy rồi “lướt” luôn vào sâu bên trong.

Ông Ngô Sỹ Nguyên
Đến ngã tư Hàng Xanh, bất thình lình có 2 chiếc xe tăng M113 của địch lao ra. Tôi đạp cò, tiêu diệt luôn cả 2 xe địch chỉ bằng loạt đạn. Lúc đó, chúng tôi chưa nghĩ là dinh Độc Lập đã ở rất gần. Những cuộc đáp trả của địch vẫn rất dữ dội nhưng chúng tôi bình tĩnh xử lý mọi tình huống”.
“Xe tiến vào, khi thấy một tòa nhà lộng lẫy giống dinh Độc Lập, anh em bảo nhau “chính nó đây rồi, sào huyệt của nó đây rồi” và quyết định lao về phía đó. Lúc đó, chúng tôi cũng kịp nhìn thấy xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận đã húc vào cổng phụ của dinh rồi bị kẹt.
Lái xe Nguyễn Văn Tập quyết định tông thẳng cả xe vào cánh cổng chính. Hai cánh cổng vỡ tung. Chúng tôi cho xe áp sát vào tận cửa dinh Độc Lập mới dừng lại. Thật ngạc nhiên là địch hầu như đã rút chạy cả, không còn sự đáp trả nào nữa.
Tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng đã giành chiến thắng, đất nước đã được thống nhất. Lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới có 23 tuổi. Và tôi đã khóc vì sung sướng!”.
Sống đời lặng lẽ
Sau giải phóng, ông Nguyên cùng các đồng đội trên xe tăng 390 trở ra Bắc, rồi thất lạc nhau. Năm 1979, ông xung phong tham gia chiến tranh biên giới cho đến năm 1982 ông mới ra quân rồi xin về làm ở cảng Phà Đen (Hà Nội).
Sau đó ông trở về quê ở Nghệ An, sống cuộc sống đời thường như bao người. Ông bảo: “Suốt những năm sau ngày giải phóng, điều tôi mơ ước nhất là được gặp lại các anh em, đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, sống dưới mưa bom bão đạn trên chiếc xe tăng 390 thân thuộc, để xem ai còn ai mất, sinh sống thế nào?”.
Nhưng mỗi người ở một ngả, chẳng có địa chỉ cụ thể, chẳng còn biết đâu mà tìm. Ngay cả bản thân mình, ông cũng chẳng muốn khoe với xóm làng, anh em rằng mình chính là một trong 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập mà chỉ kể cho đứa con trai đầu.

Xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn 30-4-1975
Thế rồi, đến năm 1995, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tình cờ xem trên ti vi quay không khí lễ kỷ niệm, ông giật mình khi nhận ra trong rừng người có 3 gương mặt quen thuộc, đó là Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng, những người đã chung vai sát cánh cùng ông trên chiếc xe tăng 390. Ông reo lên vì sung sướng. Lúc đó, trong ông nảy lên một khát khao được đi gặp lại ngay 3 người anh em, đồng đội thân yêu, dù cuộc sống ngày thường vẫn còn nhiều lo toan, vất vả.
Tình cờ, nhà báo, nhà quay phim, đạo diện Phạm Việt Tùng - người nổi tiếng với bộ phim “Bốn chiến sĩ xe tăng 390” đã tìm được ông. Sau đó, nhà quay phim Phạm Việt Tùng đã tổ chức một buổi gặp mặt 4 anh em trên chiếc xe tăng tại Hải Dương, nơi chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn, lái xe Nguyễn Đăng Tập đang sinh sống.
Gặp nhau, ông Nguyên lại khóc vì sung sướng. Nước mắt trong ông không kìm được, cứ thế chảy ra. Ba anh em Toàn - Tập - Phượng bảo: “Chúng tôi cứ ngỡ anh đã chết hoặc mất tích. Chúng tôi cũng đã về quê của anh tìm mà không thể tìm được. Bà nhà báo Pháp cũng đã ở lại đây suốt 3 tháng liền để tìm anh mà cuối cùng chỉ tìm được 3 người chúng tôi”.
Vậy là cuối cùng, cả 4 anh em trên chiếc xe tăng đã được gặp lại nhau.
Sau 21 năm, ông Nguyên cũng đã được công nhận chính là pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 390. Ông nói: “Để giành được độc lập tự do cho dân tộc đã có nhiều anh em chiến sĩ của chúng tôi phải ngã xuống. Tôi được trở về đã là may mắn. Tôi chỉ có một ước nguyện là thế hệ hôm nay hãy ghi nhớ công lao không có gì so sánh được của các thế hệ đi trước, đặc biệt là những người đã ngã xuống để giải phóng cho dân tộc, thống nhất nước nhà”.
Bài 2: Thầm lặng giữa đời thường
PHÚC HẬU