Cô bé ăn mì gói, nuôi ước mơ...

Câu chuyện từ những mảnh ghép 15 phút
Cô bé ăn mì gói, nuôi ước mơ...

9g tối. Mở thùng lấy một gói mì tôm bỏ vào giỏ xách,  mặc vội bộ đồ công nhân bằng vải thô, Giàu nhảy lên xe, đạp hối hả. Con đường từ Gò Ô Môi ra Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận hun hút. Giàu kể, những công nhân làm ca đêm không ai dám thuê nhà ở khu Gò Ô Môi này. Người nào lỡ thuê thì chỉ dăm ba ngày là dọn đi. Chỉ có Giàu là gan lì, cắn răng ở lại. Chỉ có ở đây, trong khu nhà trọ tồi tàn này, em mới có thể vừa sống, vừa tằn tiện đóng học phí, vừa làm Bí thư Đoàn và gửi tiền về nuôi cả nhà bằng đồng lương công nhân 770.000đ/tháng

Cánh cổng công ty hiện ra. Giàu lí nhí chào tôi rồi mất hút giữa tiếng máy chạy ì ầm. Lần nào cũng vậy, em hẹn gặp tôi vào lúc 21g15 tại cổng KCX Tân Thuận. Câu chuyện chấm dứt lúc 21g30. Đó là khoảng thời gian rảnh rỗi duy nhất trong ngày của Giàu. Đường từ cổng vào nhà máy mất khoảng 15 phút đạp xe. Thêm 15 phút chuẩn bị để đúng 22g, em vào ca cho đến 6g sáng.

Câu chuyện từ những mảnh ghép 15 phút

Tháng 9-2002, giấy báo của Đại học Kinh tế TPHCM gửi về tỉnh Vĩnh Long. Trương Thị Ngọc Giàu trúng tuyển. Nụ cười chưa nở đầy trên môi, Giàu đã kịp nhìn thấy nỗi lo âu đong đầy mắt mẹ. Mấy năm nay, để nuôi anh trai Giàu học đại học xây dựng ở TPHCM, mẹ đã phải chắt bóp từng đồng và vay thêm tiền ngân hàng mới kham nổi. Ba thì quần quật suốt ngày với mấy công ruộng cũng chỉ đủ cho cả nhà khỏi đói cơm. Nén chặt ước mơ, Giàu chỉ dám xin mẹ học trung cấp lương thực thực phẩm để sớm kết thúc khóa học, đi làm phụ giúp gia đình.

Cô bé ăn mì gói, nuôi ước mơ... ảnh 1

Trương Thị Ngọc Giàu trước giờ vào ca đêm

Tốt nghiệp, không xin được việc ở quê, Giàu quyết định nộp hồ sơ vào trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh. Một tuần sau em có mặt ở KCX Tân Thuận TPHCM, sẵn sàng cho quãng đời công nhân.

Với mức lương thử việc chỉ có 770.000đ/tháng, hàng ngày, sau 8 tiếng đứng mòn chân trong nhà máy, Giàu lại xin dạy kèm 2 học sinh lớp 5 và 6 môn Toán và Anh văn. Ngoài giờ dạy học, em kiêm luôn chân “ôsin”, làm  đủ mọi việc từ giặt đồ, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa cho gia đình chủ với tiền công 500.000đ/tháng. Làm việc không phút nghỉ ngơi, đã có lúc vận may dường như mỉm cười với cô gái giàu nghị lực khi Giàu được cất nhắc lên làm công việc văn phòng, do quản đốc phân xưởng phát hiện ra cô công nhân thử việc có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Rồi bà nội mất. Giàu xin nghỉ để về quê. Đến lúc trở lên, chỗ của em đã có người khác thay thế. Không nản chí, Giàu xin vào một công ty cơ khí, làm thợ đứng máy - công việc nặng nhọc không thua gì những nam công nhân. Một đêm, vừa vào ca chưa đầy nửa tiếng, Giàu nhận được tin anh trai bị tai nạn giao thông. Để cứu sống anh, gia đình phải vay nóng hơn 200 triệu đồng. Gánh nặng trả nợ đè lên vai Giàu khi mẹ đã về hưu, không còn khả năng làm ra đồng tiền và anh trai em, sau khi ra viện đã trở thành một người tàn phế.

Một ngày chỉ ngủ 3 tiếng rưỡi

Bắt đầu từ đây, Giàu cắt giảm tất cả mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống để tiết kiệm tiền gửi về cho mẹ. Đã rất lâu rồi, mỗi ngày,  bữa ăn của em chỉ là một gói mì tôm: sáng một gói, trưa một gói. Để có thêm tiền, em đăng ký làm ca đêm. Những hôm làm ca đêm, Giàu cũng đem theo một gói mì, chờ đến giờ nghỉ thì chế nước sôi ăn, nhất định không đụng tới 9.000đ tiền ăn mà công ty cấp. Cô cười: “Mì em mua loại 85g. Một thùng 30 gói hết 58.000đ. Mỗi tháng, em ăn hết gần 3 thùng mì. Bữa nào mệt quá thì pha thêm bột ngũ cốc uống”.

Cũng trong thời gian này, Giàu quyết định thi vào trường trung cấp kế toán. Những tháng ngày cực nhọc bên cỗ máy không làm tắt nổi ước mơ được học tiếp của em. Trúng tuyển - nỗi lo càng chồng chất. Tiền lương cộng với tất cả các khoản thu nhập từ làm thêm, tăng ca cũng chưa đầy 1,4 triệu đồng/tháng. Rồi còn tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền gửi về quê cho mẹ trả nợ. Với tất cả những mối lo đó, tiền học phí trên 3 triệu đồng/năm, tiền sách vở, ăn uống, đi lại thật sự trở thành một gánh nặng. Em tâm sự: “Mỗi tháng, tiền ăn và tất cả những chi tiêu khác, em bó gọn trong khoảng 250.000đ. Phần còn lại dành để đóng học phí và gửi về quê. Cực khổ mấy em cũng ráng lấy được tấm bằng kế toán”.

Khó khăn, chật vật là thế nhưng Giàu rất say mê hoạt động Đoàn. Từ ngày công ty thành lập chi đoàn thanh niên, Giàu được bầu làm bí thư. Chiến công đầu tiên của cô bí thư là bán hết veo 700 tấm vé số Vì Trường Sa thân yêu do Thành đoàn phát hành. Giàu hào hứng kể: “ Lần đó, công ty em chỉ được phân về 300 vé. Em đi xuống tận các xưởng vận động, kêu gọi và bán hết ngay trong buổi sáng. Thế là em lên xin nhận thêm 400 vé. Công nhân ai cũng nghèo, cũng đổ mồ hôi, nước mắt mới làm ra đồng tiền nhưng nếu biết cách tập hợp, vận động, mọi người ủng hộ Đoàn nhiệt tình”. Một lần khác, một công nhân của công ty ngất xỉu, phải chuyển lên bệnh viện ở quận 5, Giàu không quản đường xa đạp xe theo chăm sóc. Đến tối cùng ngày, khi vào ca, đến lượt Giàu ngất xỉu vì kiệt sức.

Lần nào gặp tôi, trong “phần kết” của 15 phút trò chuyện, bao giờ Giàu cũng nhắc tới em gái út của mình: “Nó học giỏi lắm, 11 năm liền là học sinh xuất sắc. Năm nay hết lớp 12, mẹ lại sẽ gửi nó lên đây làm công nhân vì nhà không có tiền cho đi học tiếp. Vừa làm, vừa học cũng được nhưng em lo nó không thức đêm nổi”… Tôi chợt cảm thấy buồn. Đến bao giờ, cơm áo mới thôi trì níu những ước mơ?

Hết lòng vì mọi người nên khi Câu lạc bộ Dư luận Xã hội của KCX Tân Thuận được thành lập, Giàu được các bạn công nhân tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm. Sau thời gian gầy dựng, CLB Dư luận Xã hội của Giàu đã tập hợp được hơn 100 thành viên, trong đó có 60 thành viên nòng cốt. Tất cả đều là công nhân trực tiếp sản xuất. Từ đây, những phong trào  Đoàn lan tỏa và gần gũi hơn với anh em công nhân.

Một ngày của Giàu bắt đầu từ 10g đêm - giờ vào ca ngày hôm trước. Trở về vào 7g ngày hôm sau, em chỉ ngủ khoảng 3,5 tiếng thì dậy học bài. Buổi chiều, Giàu đi học từ 12g30 đến 5g. Từ đó cho đến tối là thời gian Giàu dành cho công tác Đoàn. Giàu nói: “Lúc này, nhiều tổ chức Đoàn cơ sở của các công ty ngoài quốc doanh trong KCX mới thành lập, em phải theo sát để hỗ trợ các bạn hoạt động nên có ngày em chỉ ngủ 2,5 tiếng”.

3 tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày để ngủ, 250.000đ/tháng để sống, một chiếc xe đạp cũ và rất nhiều thùng mì tôm… Những con số, những ấn tượng có lẽ sẽ còn ở lại rất lâu trong tâm trí những ai đã từng tiếp xúc với Giàu. Cắn răng vượt khó đi học, hăng hái hoạt động phong trào và ước mơ được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từng ngày, từng ngày một, cô gái nhỏ bé, cao chưa đầy 1,5m, nặng chưa đầy 40kg ấy vẫn đang căng hết sức mình để viết tiếp ước mơ, dù chặng đường sắp tới còn quá nhiều khó khăn đang chờ đón…

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục