Cơ chế xin-cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến tham nhũng

Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo công tác năm 2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Nhiều ĐBQH bức xúc về tình trạng tham nhũng hiện nay.
Cơ chế xin-cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến tham nhũng

(SGGPO).- Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo công tác năm 2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Nhiều ĐBQH bức xúc về tình trạng tham nhũng hiện nay.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 28-10

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp (UBTP) với một số chính kiến mạnh mẽ. Nhưng ĐB vẫn muốn UBTP nói rõ hơn chính kiến của mình về tình trạng tham nhũng chưa chuyển biến, những yếu kém, vì đó đều là những vấn đề trầm trọng, chưa được khắc phục dù qua nhiều năm. “Tình trạng này thì phải làm thế nào, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ ra sao, không thể kéo dài tình trạng đó được. UBTP cần có chính kiến mạnh mẽ hơn”, bà Tâm đòi hỏi.

Trong báo cáo thẩm tra, UBTP cho rằng cơ chế “xin-cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng. Nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh thêm, đó là vấn đề căn cơ khiến cho PCTN chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân. Cơ chế xin-cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến  tham nhũng. Cơ chế xin-cho làm cho quản lý nhà nước thiếu minh bạch, thiếu công khai, đó là mảnh đất màu màu để trục lợi về chính sách, là cơ sở để làm khó người dân và doanh nghiệp. UBTP đề nghị Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý PCTN là chưa đủ mạnh. Nhưng ĐB Tâm cho rằng, phải nói rõ Quốc hội có trách nhiệm đối với vấn đề này, bởi vì cơ chế xin-cho có một phần trách nhiệm của Quốc hội. “Là một ĐBQH tôi cũng thấy mình có trách nhiệm. Quốc hội cần làm gì để khắc phục tình trạng này, để cơ chế xin-cho không còn tồn tại như là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vì Quốc hội có đủ quyền hạn để giải quyết, khắc phục cơ chế xin-cho. Tôi có cảm giác nó vẫn chi phối trong quá trình chúng ta làm luật. Tôi muốn biết chính kiến của UBTP”, bà Tâm nói.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, vai trò giám sát của nhân dân, mặt trận, đoàn thể trong PCTN chưa được phát huy vì chưa chưa có cơ chế đủ rõ, đủ mạnh. “UBTP đề xuất gì để phát huy vai trò của nhân dân, mặt trận trong PCTN?”, bà Tâm nêu câu hỏi.

Cùng với đó, ĐB Tâm không đồng ý khi UBTP cho rằng người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức. “Doanh nghiệp, nhân dân bất bình, thậm chí bất mãn với tham nhũng chứ không phải là có tư tưởng chịu đựng. Họ trong tâm thế phải chịu đựng điều đó, do cơ chế tạo ra. Quốc hội phải làm gì để giải quyết điều đó, không thể coi là điều mặc nhiên được”, bà Tâm thẳng thắn.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng nhấn mạnh, nhân dân bức xúc hàng đầu về tội phạm tham nhũng, không yên trước nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ. Tham nhũng đang làm kiệt quệ ngân sách quốc gia, tha hóa cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh là một điển hình. “Nhiều dự án ngàn tỷ đắp chiếu, những dự án của DNNN chưa làm đã biết không hiệu quả và Chính phủ phải trả nợ thay. Nhiều vụ đại án tham nhũng được xét xử làm nức lòng dân với tiền ngàn tỷ sai phạm nhưng thu hồi không được bao nhiêu. Vậy tiền ngàn tỷ đó đi đâu?. Chính phủ phải nhìn rõ sự thật này”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu câu hỏi.

PCTN muốn tạo chuyển biến theo ĐB Nguyễn Viết Sinh phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật hình sự, luật PCTN. Cán bộ công chức phải kê khai tài sản, chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không thể cứ xuê xoa giải thích là do chị, anh em kết nghĩa cho biếu tặng. “Kê khai tài sản cần phải làm triệt để, không vì quan niệm xâm phạm quyền riêng tư. Thực tế, nhiều quốc gia đã làm rất triệt để việc kê khai tài sản. Cùng với đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để PCTN thực sự có hiệu quả”, ĐB Sinh nhấn mạnh.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục