Có cơ sở để tin rằng tín dụng cả năm sẽ đạt 11-12%

(SGGPO).- Sáng  1-11, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội. Cải thiện đời sống của người nông dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực làm công tác đối ngoại, là những vấn đề được các ĐBQH nhấn mạnh trong phiên họp.
Có cơ sở để tin rằng tín dụng cả năm sẽ đạt 11-12%

(SGGPO).- Sáng  1-11, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội. Cải thiện đời sống của người nông dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực làm công tác đối ngoại, là những vấn đề được các ĐBQH nhấn mạnh trong phiên họp.

Lưu ý đến kết quả khảo sát của các tổ chức độc lập, theo đó, “tỷ lệ người nông dân hài lòng với cuộc sống” chỉ đạt 45%, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến khu vực nông nghiệp, nông thôn. ĐB Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Chúng ta đang làm an ninh lương thực cho thế giới, nhưng vật tư phải nhập về với giá đắt, sản phẩm xuất khẩu lại bán rẻ. Đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách sản xuất nông nghiệp xuất khẩu”.

Đồng tình với nhận định cho rằng người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa, vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều ĐB đề nghị đánh giá lại toàn diện hiệu quả của những chương trình xóa đói, giảm nghèo. Theo ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), một mặt, toàn xã hội cần nỗ lực lo cho người nghèo, người cận nghèo nhiều hơn nữa, nhưng phải có cách nào đó để tránh việc người dân cố tình không muốn ra khỏi diện nghèo, “rất ảnh hưởng đến lòng tự trọng, tự tôn dân tộc”. Đáng lưu ý, một bộ phận người già chưa được chăm sóc đầy đủ. Nếu rằng, chỉ dựa vào lòng hiếu thảo của con cái giờ đây là chưa đủ đối với người cao tuổi. Nhà nước cần có chính sách phát triển mô hình nhà dưỡng lão phù hợp.

Có cơ sở để tin rằng tín dụng cả năm sẽ đạt 11-12% ảnh 1

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Ảnh: Cao Thăng

Liên quan đến y tế, một lĩnh vực có nhiều vấn đề bức xúc nổi lên trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, vừa qua, 3 ủy ban có liên quan của QH đã tổ chức trao đổi về Luật Quảng cáo. Nhiều ý kiến cho rằng tới đây cần phải siết chặt công tác tiền kiểm đối với quảng cáo các mặt hàng, dịch vụ y tế thay vì chỉ “hậu kiểm” như hiện hành, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc như tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Những vi phạm về y đức phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí đuổi thẳng khỏi ngành.  Nhưng xã hội cũng cần đánh giá đúng mức, tránh vơ đũa cả nắm, vừa không công bằng, vừa tác động không tốt đến xu hướng phát triển y tế tư nhân. Các bệnh viện cần có cố vấn pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh một cách đúng luật.

Tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề trước QH.

Qua phân tích các số liệu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, tuy chưa hoàn toàn chính xác tuyệt đối, nhưng số liệu thống kê các chỉ tiêu cơ bản, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP là “tin cậy được”. Tuy nhiên, trong 350 chỉ tiêu quốc gia, chỉ có 146 chỉ tiêu là do ngành thống kê tính toán, chiếm 42%; còn lại là do các bộ ngành tập hợp, tính toán.

Còn theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm 2012 chỉ 3%, nhưng cả năm trên 8%. Trong 10 tháng đầu năm 2013, tín dụng tăng 6,8%, nếu tính cả dư nợ xử lý qua trích lập dự phòng, mua nợ xấu của VAMC là 7,89%. “Có cơ sở để tin rằng tín dụng cả năm sẽ đạt 11-12%. Có ý kiến lo ngại làm tăng lạm phát,  nhưng chúng tôi có kế hoạch điều hòa để xử lý vấn đề này trong trường hợp tín dụng tăng mạnh những tháng cuối năm”- Thống đốc đoan chắc.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Bình, riêng tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn đã tăng trên 15% trong 10 tháng, cả năm có thể đạt 15%-18%. Nợ xấu trong dư nợ tín dụng cho khu vực này cũng thấp hơn rất nhiều so với hệ thống (trên 3% so với 4,64% của cả hệ thống). Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại Nghị định 41 về tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.

Về nợ xấu, Thống đốc cho biết, chủ yếu được xử lý theo 3 hình thức. Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ, đến nay đã cơ cấu trên 300.000 tỷ đồng (trên 10% tổng dư nợ). Nếu không cơ cấu lại thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%. Thứ hai là xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012 xử lý bằng nguồn này 70.000 tỷ đồng, trong 9 tháng đầu năm nay xử lý thêm 32.000 tỷ đồng nữa (cả năm 2013 dự kiến xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng). Nghĩa là từ đầu năm 2012 đến nay đã xử lý bằng nguồn này khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 3%). Từ tháng 7 đến nay, VAMC đã mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu không có các giải pháp này thì nợ xấu đã tăng thêm 10%.

Theo Thống đốc, nếu xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản có thể xử lý thêm được 3% nợ xấu nữa. Dự kiến trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về liên kết 4 nhà để xử lý tồn đọng vật liệu xây dựng; qua đó khơi thông được thị trường bất động sản, góp phần xử lý nợ xấu. Một tín hiệu tích cực là hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế muốn mua lại nợ xấu từ VAMC.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tập trung giải trình về cơ sở pháp lý, tính khả thi và hiệu quả của dự án cải tạo luồng tàu sông Hậu. Dự án có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường; giúp tăng mạnh sản lượng hàng hóa được thông qua tại khu vực; mang lại hiệu quả cao.

ANH THƯ – MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục