“Có đại biểu hoạt động chuyên trách ở Quốc hội 2-3 nhiệm kỳ mà không được khen thưởng”

Chiều ngày 15-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH. Dự thảo nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Trình bày tờ trình về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thực tiễn nhiều nhiệm kỳ, do chưa có quy định về xét tặng danh hiệu thi đua nên đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH rất khó khăn trong việc giải trình hoàn thiện hồ sơ và phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan chuyên môn về thi đua, khen thưởng, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng dẫn đến thiệt thòi, thiếu công bằng trong hệ thống chính trị.

“Có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Quốc hội 2-3 nhiệm kỳ mà không được khen thưởng”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp

Báo cáo ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị dự thảo nghị quyết phải bảo đảm phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định khác của pháp luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức; không làm phát sinh thủ tục hành chính để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, tránh hình thức, tránh khen thưởng tràn lan hoặc bỏ sót đối tượng khen thưởng.

Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc dự thảo nghị quyết quy định hình thức khen thưởng riêng của UBTVQH là phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu thi đua Cờ thi đua của UBTVQH, hình thức khen thưởng Bằng khen của UBTVQH là vấn đề cần phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về giá trị pháp lý, so sánh, tương quan với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác quy định trong luật như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, sự hòa nhập trong hệ thống thi đua, khen thưởng Nhà nước… và không để hiểu lầm là làm phát sinh danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng mới ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách cần tiếp tục được nghiên cứu và quy định phù hợp vì các quy định này trong dự thảo chưa thể hiện tính đặc thù của từng nhóm đối tượng; chưa làm rõ sự khác nhau (tiêu chí, điều kiện thi đua, xét khen thưởng) giữa nhóm đối tượng là đại biểu Quốc hội với nhóm cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH, giữa đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách ….

Về quy trình, thủ tục, hồ sơ dự thảo nghị quyết và thời điểm ban hành nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị sau khi UBTVQH cho ý kiến về những vấn đề lớn tại phiên họp này và thành lập ban soạn thảo thì sẽ thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết, sớm hoàn thiện dự thảo trình UBTVQH cho ý kiến thêm và thông qua trong thời gian tới, có thể vào phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10.

Tin cùng chuyên mục