Có dầu mỏ, Ghana sẽ là “cọp châu Phi”?

Có dầu mỏ, Ghana sẽ là “cọp châu Phi”?

Công ty  Tullow Oil (Anh) vừa phát hiện một mỏ dầu có trữ lượng 600 triệu thùng ở ngoài khơi Mũi Ba Điểm thuộc hải phận Ghana. Nếu kết quả thăm dò khẳng định đó là sự thật, Ghana sẽ tham gia số nước châu Phi có khả năng sản xuất dầu mỏ, dự kiến trong 10, 20 năm nữa thu về hàng tỷ bảng Anh.

Có dầu mỏ, Ghana sẽ là “cọp châu Phi”? ảnh 1

Dầu mỏ sẽ giúp nhiều người dân Ghana thoát nghèo?

Tờ nhật báo Accra Daily Mail tại thủ đô Accra đã chạy tít trang nhất: “Cảm ơn Thượng đế, cuối cùng cũng có dầu”. Các tổ chức tôn giáo thì tuyên bố dành hẳn một ngày cầu nguyện để cảm ơn Tạo hóa.

Tổng thống John Kufuor lên đài phát thanh nói dầu mỏ sẽ giúp Ghana trở thành “cọp châu Phi”. Ông nói một cách hình ảnh: “Với dầu bơm vào cánh tay, chúng ta bắt đầu bay”. Nhưng khi niềm vui qua đi, người dân lại bàn luận dầu mỏ có thật là mũi tiêm cần thiết cho nền kinh tế? Vì nhìn qua các nước khác trong Vịnh Guinea có nhiều mỏ dầu lớn -từ Angola cho đến Equatorial Guinea và Cộng hòa dân chủ Congo- người Ghana cũng hiểu dầu mỏ có khi lại là một tai ương hơn là một món quà trời cho.

Một người dân ở làng đánh cá Axim gần Mũi Ba Điểm nói: “Nigeria có nhiều dầu nhưng người dân lại chẳng có gì. Liệu chuyện đó cũng sẽ xảy ra tại đây?”. Một số khác lại cho rằng nền kinh tế phát triển của Ghana -chủ yếu nhờ mỏ vàng, gỗ, cây cacao và công nghệ thông tin đang bùng nổ- thì không cần phải trông vào những nguồn tiền dễ dàng do dầu mỏ đem lại.

Từ sau lần suýt bị suy thoái kinh tế hồi những năm 1980, sức tăng trưởng trung bình ở Ghana là 5% và trong 3 năm qua đạt tới mức 6% và tỷ lệ đói nghèo giảm từ 52% năm 1990 xuống còn 29% trong năm nay (theo Ngân hàng thế giới) khiến Ghana trở thành một trong số ít quốc gia châu Phi đi đúng hướng trong Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc: đến năm 2015 xóa được nghèo đói.

Giáo sư Kofi Bentil dạy môn quản trị kinh doanh Đại học Ashesi tại Accra nói: “Cả dân tộc đều làm việc, nhưng ý tưởng sản xuất dầu vẫn làm tôi run. Nó có thể làm chúng tôi đi đúng hướng nhưng cũng khiến chúng tôi đi đến chỗ tự hủy”. Ông đề cập một lợi thế của riêng Ghana so với các nước láng giềng có dầu, là sự ổn định chính trị và kinh nghiệm. Khi Ghana là cựu thuộc địa Anh đầu tiên ở châu Phi giành độc lập năm 1957, nước này vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu lục đen.

Nhưng 10 năm sau, Ghana nợ nước ngoài 1 tỷ USD, kinh tế suy thoái. Sự bất ổn chính trị và việc tụt giá bán cùng sản lượng cây cacao thấp làm cuộc suy thoái kéo dài đến những năm 1980. Sau cuộc đảo chính năm 1981 (lần đảo chính thứ tư trong vòng 15 năm), Ghana lập một chương trình phục hồi kinh tế, dựa vào mục tiêu kinh tế thị trường và từ đó mức tăng trưởng kinh tế tăng lên.

Thời Tổng thống John Kufuor (đắc cử năm 2000 và 4 năm sau tái đắc cử) còn có những cải cách kinh tế khác giúp Ghana trả được rất nhiều nợ nước ngoài.

Các nước như Nigeria “bơi trong bể tiền dầu” nhờ độc lập, Ghana cũng có 50 năm xây dựng các thể chế quản lý nguồn tài chính. Họ cũng là một trong số ít nước tại châu Phi tổ chức bầu cử minh mạch và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Dù tham nhũng ở cấp nhà nước vẫn đáng kể, nhưng uy tín quốc tế của Ghana tăng dần trong vài năm gần đây.

Giám đốc WB Mats Karlsson ở Ghana nói dù không có dầu, Ghana đang trên đường trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2015, khi Ghana không còn phải nhận sự giúp đỡ nữa. Nguồn thu từ dầu mỏ sẽ giúp tăng tốc quá trình này.

Trần Trí

Tin cùng chuyên mục