Quá trình đô thị hóa tại các quận - huyện ở TPHCM hiện diễn ra rất nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, lực lượng lao động nông nghiệp cũng giảm đáng kể do chuyển sang các ngành nghề khác và đang trong tình trạng ngày càng khan hiếm. Để giảm áp lực nói trên của xu hướng đô thị hóa, những mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả, không cần nhiều đất, như trồng lan mokara là hướng đi mới cho nông dân.
Vốn gắn bó với nghề điều dưỡng nhưng từ sự yêu thích cây lan mokara, chị Võ Thanh Thúy (32 tuổi) đã biến mảnh đất trồng rau màu thành một vườn lan (ảnh), qua đó ổn định kinh tế cho gia đình.
Chị Thúy cho biết, với đồng lương ít ỏi từ công việc làm điều dưỡng tại Bệnh viện Củ Chi, chị phải gói ghém lắm mới vừa đủ chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con. Khởi đầu từ sở thích đam mê ngắm hoa lan, dần dần chị Thúy mong muốn có riêng một vườn lan nên bắt tay vào trồng. “Lúc đầu, tôi đi học hỏi kinh nghiệm khắp các vườn lan có ở Củ Chi và may mắn được Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi mời học kỹ thuật trồng lan. Tại đây, tôi được chọn làm mô hình trình diễn với sự hỗ trợ 4.000 cây lan mokara giống. Xác định đây là cơ hội thỏa chí đam mê và có thể vươn lên làm giàu, tôi mạnh dạn mượn cha mẹ một số vốn để xây dựng vườn lan 1.000m2, với quy mô hơn 4.000 cây. Đến nay, sau 4 năm trồng đã nhân rộng lên được hơn 8.000 cây lan và đầu tư hệ thống máy tưới phun sương để thuận tiện chăm sóc”, chị Thúy vui vẻ cho biết.
Theo chị Thúy, so với trồng các loại rau màu thì trồng lan không cần nhiều đất, thời gian chăm sóc ít, ít công lao động, mà hiệu quả kinh tế lại cao. Trung bình mỗi tuần, vườn lan chị cắt khoảng 400 cành, với giá bán khoảng 7.000 đồng/cành, thu được gần 3 triệu đồng; một tháng thu hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn bán cây giống với giá 150.000 đồng/cây, cộng với lương điều dưỡng ở bệnh viện (trên 7 triệu đồng/tháng), gia đình chị Thúy sống khỏe và đã tích lũy được một số vốn. “Sắp tới, tôi dự định mua thêm mấy ngàn mét vuông đất nữa để trồng lan, biết đâu sẽ chuyển trồng lan thành nghề chính”, chị cười bảo. Trồng lan mokara không khó, khó là phải dự báo và lựa chọn được giống nào cho nhiều hoa và thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, cần nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Do vốn đầu tư ban đầu hơi cao nên để đảm bảo thành công, những hộ nông dân có ý định chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất thấp sang trồng lan mokara cần phải có đam mê, nắm vững kỹ thuật và tính toán sao cho phù hợp với điều kiện gia đình.