Có được sản xuất, mua bán “quân trang nhí”?

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều điểm bán quần áo dành cho trẻ em nhái trang phục của ngành quân đội, công an, phổ biến nhất là trang phục của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động… với giá trung bình mỗi bộ 80.000 - 120.000 đồng. Loại mặt hàng này được các cháu nhỏ rất yêu thích. Một số bạn đọc nêu thắc mắc: Việc sản xuất, mua bán sản phẩm “quân phục nhí” này có vi phạm pháp luật không?

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều điểm bán quần áo dành cho trẻ em nhái trang phục của ngành quân đội, công an, phổ biến nhất là trang phục của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động… với giá trung bình mỗi bộ 80.000 - 120.000 đồng. Loại mặt hàng này được các cháu nhỏ rất yêu thích. Một số bạn đọc nêu thắc mắc: Việc sản xuất, mua bán sản phẩm “quân phục nhí” này có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định, quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ. Khoản 1 Điều 5 Nghị định 59 quy định rõ: “Nghiêm cấm thương nhân và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động có liên quan đến thương mại tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”. Nếu vi phạm, tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo Điều 18 Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, hành vi kinh doanh quân trang (thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh) bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tương ứng với giá trị của lô hàng, mức cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng.

Quần áo nhái quân phục dành cho trẻ em không đáp ứng đầy đủ yếu tố để xem là quân trang, do những loại quần áo này phần lớn dành cho trẻ em dưới 5 tuổi, kích thước nhỏ, các đối tượng xấu không thể lợi dụng để giả danh lực lượng chức năng thực hiện hành vi lừa đảo. Do xét về mức độ nguy hại đối với xã hội là không có, nên hành vi kinh doanh “quân trang nhí” không bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các loại quần áo này được bắt chước khá tỉ mỉ, có cả quân hàm gắn sao và vạch tương tự mẫu thật. Bên cạnh đó, những phụ kiện nhái như mũ, thắt lưng, còi, gậy, súng… cũng được trang bị đầy đủ theo bộ. Việc quần áo dành cho trẻ em lại mô phỏng quá giống với quần áo của cơ quan chức năng, đặc biệt là quần áo của lực lượng vũ trang, sẽ là thiếu tôn trọng lực lượng này và phần nào làm giảm tính uy nghiêm của những người thực thi pháp luật. Loại mặt hàng này được bày bán tràn lan ngoài đường, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không được quản lý chất lượng. Dù rằng việc sản xuất, mua bán “quân trang nhí” được xem là vô hại, nhưng cũng cần xem xét về phương diện quản lý.

Việc mua bán loại mặt hàng này chưa hẳn là cần cấm bởi không vi phạm pháp luật nhưng do tính chất đặc thù, cần quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh. Ví dụ cần quy định không được mô phỏng giống một cách tuyệt đối với mẫu thật, sản xuất phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có bao bì sạch sẽ, tránh tính trạng bày bán vô tội vạ như các loại quần áo thông thường. Đặc biệt, cần hạn chế việc kèm theo các phụ kiện nhái như súng, gậy… để giữ gìn sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ nhỏ.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục