Cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa đã có bước tiến đáng kể trong vài năm trở lại đây. Song, ai sẽ đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp: nông dân, doanh nghiệp hay trông chờ vào nguồn vốn từ Chính phủ? Thực tế đang xuất hiện nhiều “nút thắt cổ chai” cần tháo gỡ trong quá trình cơ giới hóa.
- Mỏi mắt chờ máy gặt đập
Cơ giới hóa nông nghiệp đã có sự thay đổi lớn. Năm 2005 - 2006 vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), đến năm 2012 có hơn 7.000 máy giải quyết trên 40% diện tích lúa; tương tự năm 2005, chỉ có 6.600 máy sấy lúa thì nay tăng lên 9.600 máy đáp ứng 33% sản lượng lúa hè-thu.
Tuy nhiên theo tính toán của TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: Với mức tổn thất sau thu hoạch 13,7% trên sản lượng hơn 20 triệu tấn, mỗi năm ĐBSCL “mất” khoảng 13.700 tỷ đồng. Trong vụ đông-xuân mới đây, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều nông dân đã khóc ròng nhìn lúa đổ sập vì mưa mà chờ mỏi mắt không thấy máy GĐLH. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở tỉnh Hậu Giang.
“Mưa rồi triều cường làm nền đất yếu, lúa đổ sập, máy GĐLH thì biệt tăm. Phải tốn hơn 500.000 đồng/công cắt nhưng chất lượng lúa quá thấp, thương lái lại chê” – anh Cao Trí Thức, nông dân xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, ấm ức.
Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến ở Đồng Tháp, Long An… “Giao thông, thủy lợi nội đồng hiện nay còn rất hạn chế nên khó tạo ra nền đất vững chắc để máy GĐLH hoạt động hiệu quả. Hiện nay khó khăn càng gia tăng khi nông dân gieo sạ đồng loạt, thu hoạch rộ cùng lúc, áp lực tìm máy GĐLH trong dân càng gia tăng. Trong khi đó, quá trình chuyển dịch lao động sang làm dịch vụ (đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp), khiến lao động cắt lúa thủ công thiếu nghiêm trọng. Nếu thu hoạch bằng tay, lại phát sinh thêm tình huống thiếu máy suốt” – ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ ra vấn đề tồn tại.
Trong khi đó, lãnh đạo một số tỉnh trong vùng cho biết quy định mua máy nội địa hóa trên 60% mới được hỗ trợ lãi suất đang làm chậm tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp. Thực tế, nông dân thích mua máy GĐLH do nước ngoài sản xuất hơn do máy nội địa thường gặp nhiều trục trặc. Nhiều tỉnh phải “xé rào” chủ trương hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm cho nông dân mua máy GĐLH ngoại để đáp ứng nhu cầu của nông dân.
- Sấy lúa công nghiệp,trách nhiệm của ai?
Nếu như tỷ lệ máy GĐLH đã chiếm 30% - 45% trong thu hoạch lúa ở ĐBSCL, thì tỷ lệ sấy lúa lại thấp hơn nhiều. Nhiều tỉnh, tỷ lệ này chỉ dừng ở mức 20%, dù các lò sấy lúa đã có trước máy GĐLH hơn 10 năm. Các lò sấy vĩ ngang đầu tiên ở ĐBSCL được nông dân đầu tư với quy mô nông hộ và sấy dịch vụ nhỏ nay đã trở nên lạc hậu. Vì xét về yếu tố kỹ thuật máy sấy dạng này chỉ dừng ở mức sấy cho lúa khỏi lên mộng khi gặp mưa trong vụ hè-thu.
Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty CP Mê Kông, cho rằng: “Máy sấy vĩ ngang chỉ hơn phơi lúa chút đỉnh. Sấy vĩ ngang không đúng kỹ thuật, gạo dễ gãy. Về lâu dài nên chuyển sang sấy tháp để cải tiến chất lượng gạo”.
“Thực tế sấy lúa công nghiệp mới giải quyết các vấn đề sản xuất và xuất khẩu gạo lớn. Đáng tiếc hiện nay ĐBSCL không có “hậu cần” phục vụ cho xuất khẩu như mấy sấy công nghiệp. Cần nhanh chóng hình thành các máy sấy hiện đại gắn với cách điều hành linh động như “điều khiển” xe taxi để giảm thất thoát sau thu hoạch” – kỹ sư Nguyễn Thế Hà, tư vấn cho Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, đề xuất. Theo tính toán của kỹ sư Hà, cần đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng để nâng công suất sấy lúa lên khoảng 200.000 tấn/ngày, thay vì khoảng 50.000 - 70.000 tấn/ngày như hiện nay.
Một lãnh đạo của TP Cần Thơ cho rằng, Chính phủ nên có quy định đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp. Theo đó, doanh nghiệp phải có đầu tư vào diện tích cánh đồng mẫu lớn tương ứng với số lượng gạo xuất khẩu, gắn với sấy, kho chứa…
“Cần nghiên cứu mời các đối tác nhập khẩu gạo truyền thống, liên kết với nước ngoài để đầu tư hình thành “4 nhà”, ổn định từng năm, khâu tiêu thụ mới vững chắc hơn” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ đề xuất. Đề xuất này cũng đáng lưu ý, vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn “nhảy vào” lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo ở Việt Nam, còn một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang tỏ ra “hờ hững” trách nhiệm với nông dân!?
"Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách, thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình Cánh đồng mẫu lớn… Đặc biệt là vai trò chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống sấy lúa, kho chứa để thu mua, tồn trữ lúa – nhất là giai đoạn thu hoạch rộ". TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL |
Cao Phong