Cơ giới hóa sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL: Vướng và vướng

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.
Cơ giới hóa sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL: Vướng và vướng

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.

        Thừa kho gạo, thiếu kho lúa

Để giảm thất thoát, hao hụt, giữ vững chất lượng lúa gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân, từ năm 2010, Chính phủ chủ trương xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo quy mô 4 triệu tấn tại các tỉnh thành ĐBSCL. Trong đó, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang (chiếm 70% sức chứa). Đến nay, kết quả đạt được là hệ thống kho chứa tăng lên khá lớn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Hiện tại, năng lực của hệ thống kho chứa lúa gạo tại ĐBSCL đã hơn 5,38 triệu tấn, trong đó, khả năng chứa lúa chỉ có 1,02 triệu tấn”. Hiện tại, việc xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo vẫn đang tiếp diễn. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: “Kho bây giờ đã thừa rồi, không cần thiết phải xây thêm. Nếu không sẽ gây lãng phí”.

Vướng quy định 60% nội địa hóa nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL bị chậm.

Vướng quy định 60% nội địa hóa nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL bị chậm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số này, kho chứa gạo đang gấp hơn 4 lần kho lúa và đã quá thừa; không đúng với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng hệ thống kho tạm trữ lương thực. Bức xúc về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng: “Nhìn thực tại, chương trình 4 triệu tấn kho giờ đã hơn 5,3 triệu tấn rồi, nhưng không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu của Bộ NN-PTNT. Hệ thống kho chứa phải đồng bộ từ sấy, chế biến, cho ra sản phẩm; đảm bảo thực hiện cả 2 chức năng dự trữ lúa và gạo. Còn hiện nay kho chứa lúa chỉ hơn 1 triệu tấn, trong khi kho chứa gạo quá thừa”. Như vậy, hiệu quả tạm trữ chưa cao, nhất là trong vụ hè thu, đa phần nông dân trồng lúa vẫn không được hưởng lợi hoặc hưởng rất ít từ chủ trương này.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư xây dựng kho chứa gạo vì chi phí thấp. Nếu như xây dựng kho chứa lúa đồng bộ sẽ rất tốn kém, trong khi chủ đích chính của các doanh nghiệp là chỉ thu mua gạo; rất ngại mua lúa vì không có khả năng, khó quản lý được chất lượng. Mặt khác, tập quán kinh doanh nhiều năm qua của đa phần các doanh nghiệp là khi có hợp đồng mới thu gom gạo nguyên liệu từ các nhà máy xay xát tư nhân về lau bóng, đóng gói… xuất đi. Vì thế, nếu xây nhiều kho chứa lúa, trang bị hệ thống đồng bộ thì khác nào doanh nghiệp rước thêm cái khó cho mình, thà rằng để nông dân chịu thiệt thòi. Rõ ràng, đối với một cường quốc về xuất khẩu gạo như Việt Nam thì điều này khó chấp nhận được.

        Máy gặt khó xuống đồng

Hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và 65/2011QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch lúa. Hiện 10.000 máy gặt đập liên hợp đáp ứng nhu cầu gần 50% diện tích sản xuất lúa, tỷ lệ thất thoát được kéo giảm từ 5% - 6% xuống còn 2% - 3%, chi phí thu hoạch lúa giảm từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công... Tuy nhiên, hiện nay thất thoát sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn, từ 12% - 14%. “Các nước sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới tổn thất khoảng 3,9% - 6%. Cơ giới hóa là điều kiện bắt buộc phải đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, đang đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6% - 8%, nếu thực hiện được sẽ là thành công rất lớn. Phấn đấu đến năm 2015, có 80% diện tích lúa ở ĐBSCL thu hoạch bằng máy, đòi hỏi thời điểm đó phải có 12.500 máy gặt đập liên hợp” - Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.

Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản. Tuy nhiên, quy định này chỉ hỗ trợ (vốn vay và lãi suất) đối với máy thu hoạch lúa có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên. Trong khi hầu hết các máy gặt đập liên hợp đạt giải cao, được nông dân ưa chuộng tại các hội thi do Bộ NN-PTNT tổ chức đều có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. 2 bộ phận quan trọng của máy gặt đập liên hợp là động cơ và hộp số đều phải nhập. Do vậy, máy lắp ráp trong nước cũng khó có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Mặt khác, dù giá rẻ nhưng đa phần người dân không thích máy nội địa vì hay bị sự cố, chất lượng lúa thu hoạch không cao. Còn các loại máy gặt đập liên hợp ngoại nhập tuy đáp ứng tính năng kỹ thuật tốt nhưng giá khá cao (từ 220 triệu đến gần 600 triệu đồng/máy). Vì thế, nếu không có hỗ trợ vốn vay và lãi suất từ thì đa phần nông dân không có khả năng đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 2 quyết định (63/2010/QĐ-TTg và 65/2011QĐ-TTg) theo hướng hỗ trợ nông dân đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được, nhưng có hiệu quả hơn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy kéo, công suất lớn và các thiết bị bảo quản sau thu hoạch…

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục