
(SGGP). – Đó là khẳng định của Cục Chế biến, thương mại nông lâm lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) tại hội thảo cơ khí giới hóa phục vụ nông nghiệp, nông thôn diễn ra ở Cần Thơ ngày 4-12.
Theo đó, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ và chưa phát triển toàn diện, tổn thất sau thu hoạch cao. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,16 cv/ha canh tác (vùng ĐBSCL đạt 1,85 cv/ha có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước).
Trong khi đó Thái Lan là 4 cv/ha, Hàn Quốc 4,2 cv/ha, Trung Quốc 6,06 cv/ha… Cơ giới hóa nông nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu như: gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác có mức độ cơ giới hóa rất thấp. Trên địa bàn nông thôn cả nước, khâu thu hoạch và vận chuyển lúa, ngô, đậu tương chủ yếu vẫn là lao động thủ công.

Đến nay, tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy mới ở ĐBSCL đạt khoảng 20% trong tổng diện tích canh tác.
Vùng ĐBSCL có diện tích lúa hàng hóa lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ thu hoạch bằng máy mới chỉ đạt khoảng 20%, một lượng không nhỏ lúa bị rơi rụng do không có lao động gặt; tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch lên đến 2,9%. Công đoạn làm khô chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời, sân phơi không đảm bảo kỹ thuật, tỷ lệ áp dụng máy sấy còn rất thấp, công nghệ sấy cũng như chất lượng máy sấy còn lạc hậu; tỷ lệ hao hụt ở khâu này đối với lúa 3,3% - 3,9%. Phương tiện bảo quản, cất trữ nông sản trong dân còn hết sức thô sơ (hòm, gỗ, thùng, chum, vại).
Ở ĐBSCL chủ yếu chứa lúa trong các bao đay nên mức tổn thất có thể lên đến 4% sau 3 tháng tồn trữ. Một số nông sản khác như ngô, lạc, đậu tương cất giữ tại hộ khoảng 10% - 15% sản lượng từ 3 - 10 tháng bị tổn thất khoảng 10% do chuột, mọt xâm hại; nhiều nơi bị nấm mốc, tổn thất lên đến 30%.
Công nghệ xay xát trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, nhất là những cơ sở xay xát quy mô lớn phục vụ xuất khẩu ở phía Nam. Song các tỉnh phía Bắc và Trung bộ hầu hết vẫn quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu. Do khâu làm khô và bảo quản không tốt, nên hao hụt trong quá trình xay xát chiếm tỷ lệ không nhỏ, tỷ lệ thu hồi và phẩm cấp thấp, giá thành chế biến cao.
Chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn thấp, cản trở việc áp dụng máy móc, thiết bị và công nghệ sau thu hoạch. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều lúng túng, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chậm đổi mới…
B. ĐẠI