Cơ hội bứt phá xuất khẩu gạo

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã “qua mặt” giá gạo Thái Lan và đang dẫn đầu ở phân khúc này. Câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vượt mức 1.000 USD/tấn đang tạo dấu mốc quan trọng mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT từng ao ước 10 năm trước.
 Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đóng gói gạo với thương hiệu A An. Ảnh: THANH HẢI
Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đóng gói gạo với thương hiệu A An. Ảnh: THANH HẢI

Trúng mùa, được giá

Tại Vĩnh Long, ông Dương Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết, vụ đông xuân này, thời tiết thuận lợi, giá lúa cao so với mùa vụ trước nên nông dân phấn khởi. Trung bình, năng suất lúa đạt khoảng 7,2 tấn/ha, trừ hết các chi phí, nông dân đạt lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân là vụ lúa chính trong năm của nông dân ĐBSCL. ĐBSCL có 1,5 triệu ha lúa bắt đầu vào vụ thu hoạch (sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn). Hiện nông dân bán các giống lúa thơm, chất lượng cao đều ở mức trên 7.000 đồng/kg. Cụ thể, lúa Jasmine ở Cần Thơ, Vĩnh Long là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 7.400 đồng/kg; tại Cà Mau lúa thơm ST24, ST25 và Lộc Trời 28 giá trên 7.000 đồng/kg… Đây được xem là tác động tích cực từ việc mặt bằng gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao ổn định, hiện là 463 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan 2 USD/tấn.

Vụ đông xuân này, An Giang là tỉnh dẫn đầu về diện tích lúa sản xuất có sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Giang, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bình Thành, huyện Thoại Sơn, cho biết: Hiện HTX có gần 1.000ha hợp tác trồng giống lúa theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời. Lúa đang trổ bông trĩu hạt, năng suất lúa cầm chắc 7-8 tấn/ha. Đây là kết quả từ sự đầu tư vật tư đầu vào của tập đoàn gắn với sự hướng dẫn kỹ thuật gần như đã đồng bộ cơ giới hóa từng khâu từ làm ruộng, bơm rút nước, đến gieo sạ lúa, bón phân, phun thuốc, thu hoạch. Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, vụ đông xuân năm 2023, phía Lộc Trời hợp tác đặt hàng với nông dân ĐBSCL sản xuất 210.000ha lúa.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết: Doanh nghiệp đang khẩn trương để hoàn thành hợp đồng xuất gần 30.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. “Hiện công ty đã liên kết với nông dân ĐBSCL sản xuất khoảng 9.000ha lúa thơm, lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu đầu ra, tạo vùng nguyên liệu dồi dào. Đây là vùng nguyên liệu ổn định để công ty xuất khẩu trong năm 2023”, ông Phạm Thái Bình cho biết thêm.

Tập trung phân khúc chất lượng cao

Năm 2022 khép lại với dấu ấn của ngành xuất khẩu gạo đạt gần 7,3 triệu tấn, đem về 3,54 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với năm 2021. Tuy nhiên, điều ấn tượng là, theo ông Phạm Thái Bình, lần đầu tiên gạo thơm ST24, ST25 của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, EU có giá trên 1.000 USD/tấn. Còn năm 2023, trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, phía Trung An đã ký kết xuất khẩu gạo thơm ST với giá 1.250 USD/tấn. Đây được xem là kỳ tích của lúa gạo Việt Nam.

Sản phẩm Cơm Việt Nam Rice vào hệ thống siêu thị EU

Sản phẩm Cơm Việt Nam Rice vào hệ thống siêu thị EU

Trung tuần tháng 2-2023, một doanh nghiệp ở Quảng Trị cũng đã tạo nên kỳ tích mới trong xuất khẩu gạo. Cụ thể, Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường EU với giá 1.800 USD/tấn. Trong khi đó tại ĐBSCL, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đã nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023. Hiện, gạo Lộc Trời thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã vào hệ thống siêu thị EU và được bán với mức giá 12,9 EUR/5kg (túi), tương đương ngưỡng 2.000 USD/tấn. Tất nhiên, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cả nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Sự hợp tác đặt hàng, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp là rất quan trọng, như Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long, Trung An đã và đang thực hiện tại ĐBSCL.

Điều đáng mừng là mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh vùng ĐBSCL tham vấn ý kiến, hoàn thiện nội dung và phương thức tổ chức Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhanh chóng đưa đề án vào triển khai thực hiện.

Theo đề án, tổng đầu tư dự kiến cho Đề án giai đoạn 2023-2030 là trên 40.000 tỷ đồng. Nông dân là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ với mức đề xuất 30% chi phí mua giống lúa ở định mức lượng giống sử dụng 80kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp... Ngay khi tiếp nhận văn bản, ngành nông nghiệp An Giang đã tiên phong đăng ký tham gia 200.000ha trong đề án. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, để thực hiện đề án thành công cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, chính sách đất đai và sự đồng hành tham gia của nhiều bên liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, các hiệp hội ngành hàng…

Với đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh”, ĐBSCL đang kỳ vọng cơ hội bứt phá xuất khẩu gạo ở phân khúc trên 1.000 USD/tấn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Năm 2023 là năm khởi sắc cho ngành lúa gạo Việt Nam, bởi nguồn lúa gạo thế giới đang cạn kiệt, bên cạnh đó, nguồn tồn kho lúa gạo cũng đã hết. Có khả năng năm 2023 giá lúa gạo sẽ rất tốt. Đồng thời, các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… hiện tại giá gạo cũng tăng lên. Giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức cao, ổn định, nông dân thu hoạch lúa trên diện rộng. Với giá lúa như hiện nay, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn từ 10%-15% so với những năm trước đây. Đồng thời, lãi cũng tăng thêm khi chi phí sản xuất là giá phân bón đã hạ nhiệt. Hiện doanh nghiệp chủ yếu tập trung thu mua là chính và đang đàm phán các đơn hàng xuất khẩu. Giá lúa gạo trong nước ở mức cao nên cũng ảnh hưởng đến việc đàm phán với các nước”.

QUỐC LÂM

Tin cùng chuyên mục