(SGGPO).- Hôm nay, 28-11, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc khai mạc tại Durban, Nam Phi. Kéo dài đến ngày 9-12, đây được xem là nỗ lực cuối cùng để cứu Nghị định thư Kyoto.
Nghị định thư Kyoto, đã được thông qua vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005. Các nước lớn đã bất hòa trong nhiều năm về việc gia hạn nghị định thư Kyoto trong khi các nhà khoa học cảnh báo thiên tai khí hậu đang trở nên nghiêm trọng hơn. Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực châu Âu và Mỹ càng gây khó khăn cho việc đề ra các mục tiêu cắt giảm khí thải vì họ cho rằng, điều đó sẽ làm tổn thương thêm các triển vọng tăng trưởng của họ. Các nước tại Thái Bình Dương thì càng tỏ ra cấp bách hơn trong việc đối phó với tình trạng mực nước biển đang dâng cao.
Trung Quốc không muốn thực hiện bất kỳ cam kết cho đến khi Washington có cam kết trong khi Nga, Nhật Bản và Canada cho biết họ sẽ không ký vào một cam kết nào về cắt giảm khí thải khi mà không có nước lớn nào tham gia.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng từ 3 đến 6 độ vào cuối thế kỷ này nếu không kịp thời cắt giảm thêm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, dư luận cũng đang quan tâm đến mục tiêu thành lập quỹ 100 tỷ USD mỗi năm (bắt đầu từ năm 2020) bằng tiền mặt để giúp giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu. Là châu lục nghèo nhất thế giới, châu Phi cũng dễ bị tổn thương nhất với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Trong vùng Sừng của châu Phi, khoảng 13 triệu người đang bị đói do hạn hán kéo dài.
K.MINH