Theo kết quả nghiên cứu của Assocham, các căn bệnh trong đời sống ngày càng gia tăng, nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng đang tăng lên do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng, các tiến bộ về công nghệ, sự xuất hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa... cũng như những sáng kiến của chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe ở nước này.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như tình trạng lão hóa dân số, du lịch chữa bệnh tăng lên, trong khi chi phí dịch vụ y tế giảm cũng sẽ giúp cho thị trường thiết bị y tế trong nước của Ấn Độ, hiện có trị giá 4 tỷ USD trong năm 2016, nhiều khả năng sẽ tăng lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2022.
Nghiên cứu trên cũng cho rằng, việc gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, gia tăng hợp tác giữa các công ty Ấn Độ và nước ngoài, giảm thời gian phê duyệt sản phẩm và các nhân tố khác cũng đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường dược phẩm Ấn Độ. Ngoài ra, Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) sẽ có tác động tích cực tới thị trường chăm sóc sức khỏe quốc gia Nam Á này, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm. Theo Assocham, thị trường dược phẩm Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 thế giới xét về mặt khối lượng và lớn thứ 13 thế giới xét về mặt giá trị.
Tờ báo tiếng Anh Dnaindia ở Ấn độ cho biết, các doanh nhân dám đầu tư vào phân khúc trung tâm sức khỏe vật lý là những người muốn có mặt nhiều hơn trong nhóm thị trường đang tăng trưởng về bệnh mãn tính, chăm sóc ban đầu và sức khỏe tinh thần. Với nhận định chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực mà hai nhóm giải pháp thực và ảo đều sẽ phát triển rất tốt, các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân Ấn Độ áp dụng linh hoạt các giải pháp từ thông thường đến ứng dụng công nghệ số.
Một trong số các doanh nghiệp điển hình là Trung tâm sức khỏe D Care có trụ sở ở Mỹ và New Delhi do bác sĩ Ravi Durvasula sáng lập. D Care đang phát triển các ứng dụng di động đảm bảo giao tiếp liên tục giữa bệnh nhân và các đội của phòng khám. Sự kết hợp giữa chăm sóc trực tiếp với các phác đồ chăm sóc cá nhân mạnh và có hệ thống sẽ đảm bảo kết quả cao nhất.
Juno Clinic là công ty chuyên về sức khỏe tinh thần. Nhà sáng lập Juno Davesh Manocha cho biết, các trung tâm vật lý sẽ xây dựng thương hiệu, còn hoạt động trực tuyến đem lại sự linh hoạt. Công nghệ tư vấn trực tuyến là chat, hội nghị video, điện thoại. Còn tại các trung tâm vật lý, đó là các buổi làm việc cá nhân với các nhà trị liệu như chuyên gia tâm lý học và tâm thần học. Theo nhà sáng lập Manocha, tỷ lệ hoạt động trực tuyến và thực tế của công ty này hiện nay là 50:50 nhưng sẽ nhanh chóng chuyển thành trực tuyến với kỳ vọng đạt tỷ lệ 75% trực tuyến. “Khi thu thập được nhiều dữ liệu hơn, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo, nơi công nghệ sẽ hỗ trợ cả về khả năng tiếp cận của bệnh nhân lẫn các quá trình điều trị thực tế”.