Cơ hội vàng ở chốn hỗn loạn

Hơn một năm kể từ khi Mùa Xuân Arập quét qua Trung Đông, những thay đổi về chính trị và kinh tế ở khu vực này đã khiến một số ngành và lĩnh vực kinh doanh phải đóng cửa, nhưng đã mở ra những cánh cửa khác cho các doanh nghiệp dám đương đầu với rủi ro.

Naava Mashiah, nữ giám đốc điều hành người Israel của công ty tư vấn M.E. Links làm ăn phát đạt trong lĩnh vực ngoại giao mềm. Doanh nghiệp này chuyên tổ chức các cuộc họp không chính thức, làm cầu nối với các tổ chức nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, giúp đỡ khách hàng phát triển mối quan hệ qua lại với các nước Trung Đông. Theo bà Mashiah, trước khi Mùa Xuân Arập quét qua Trung Đông, công ty không có nhiều cơ hội như thế này. Hiện nay, công ty còn là trung gian phát triển các mối quan hệ kinh tế giữa Israel với các nước.

Cơ hội kinh doanh sẽ đến với ai nhanh chân có mặt từ những lúc “tranh tối tranh sáng”. Đó là trường hợp của Marshall L. Stocker, chuyên viên phân tích tài chính người Mỹ, đến Cairo lần đầu tiên vào tháng 6-2010 và rời khỏi Ai Cập khi xảy ra cuộc biểu tình lịch sử vào tháng 1-2011. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, Stocker lập tức quay trở lại để giành cơ hội làm ăn, bất chấp những khó khăn như không có Internet, không giao dịch buôn bán và hàng ngày gần như bị nhốt trong nhà.

Theo ông Stocker, đây là thời điểm tuyệt vời để mua bất động sản vì thực tế tài sản đang rớt giá thảm hại sau vụ biến động chính trị. Công ty ông đặc biệt quan tâm đến thị trường Ai Cập bởi môi trường kinh doanh của nước này đang chuyển động theo hướng tích cực, mở rộng cửa hơn với các nhà đầu tư. Ngân hàng Thế giới đánh giá từ năm 2004 đến 2007, Ai Cập đã cải thiện điều kiện kinh doanh nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Mùa Xuân Arập đã tạo điều kiện đối với kinh doanh hàng không. Ảnh hưởng chiến dịch này làm gián đoạn các chuyến bay trong khu vực, đặc biệt là giữa Ai cập và Israel. Hãng hàng không Israel El Al giờ chỉ bay mỗi tháng một chuyến và hãng hàng không Ai Cập Air Sinai thường xuyên phải hủy chuyến bay. Khi không có các chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ và Libya, muốn đến Tripoli, các doanh nghiệp buộc phải di chuyển đến Frankfurt, Rome và Istanbul. Nhờ đó, những hãng hàng không trung chuyển lại có cơ hội làm ăn nếu biết bắt tay Tripoli hay Cairo sớm.

Còn đối với Chuck Dittrich, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ-Libya, doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chân hơn trong giai đoạn nhảy vào thăm dò thị trường Libya, nơi họ phát hiện có thể tập trung vào những lĩnh vực như dầu, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, sức khỏe và giáo dục... Nhóm doanh nghiệp của ông Dittrich đã đến Libya hồi tháng 4 và trở thành thành doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ đến Tripoli kể từ cuộc khủng hoảng lật đổ chính quyền ông Gaddafi xảy ra.

Phát biểu trên tờ New York Times, bà Mashiah nhận định nếu sợ hỗn loạn, cơ hội sẽ không dễ kiếm. Càng nhiều rủi ro, càng nhiều cơ hội. Cũng dễ nhận thấy phần lớn doanh nghiệp Mỹ là những người nhanh chân nhất tại những thị trường đang hỗn loạn hoặc còn sơ khai như những động thái vừa diễn ra ở Myanmar. Không lâu sau khi đất nước này tiến hành cải cách, ngày 11-7, Tổng thống Barack Obama tuyên bố nới lỏng các biện pháp cấm vận, bổ nhiệm Đại sứ, qua đó cho phép các Công ty Mỹ đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính tới Myanmar. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục