Cơ hội vàng

Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày (từ 17-5 đến 20-5) nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Pakistan. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu hảo giữa 2 quốc gia châu Á và là cơ hội để 2 bên xích lại gần hơn trong bối cảnh “cuộc hôn nhân” Mỹ - Pakistan lục đục sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Sau vụ đột kích Bin Laden ngày 2-5, Chính phủ Mỹ quay sang chỉ trích gay gắt vì cho rằng Pakistan thất bại trong việc truy tìm Bin Laden. Báo chí Mỹ còn “tưởng tượng” chính quyền Islamabad che giấu trùm khủng bố. Trong khi đó, làn sóng người dân biểu tình phản đối Chính phủ Pakistan để cho Mỹ tự do xâm nhập lãnh thổ đặt chính quyền ông Gilani trong tình cảnh “trên đe dưới búa”. Chính quyền Islamabad “giận” Mỹ ra mặt. Quốc hội Pakistan yêu cầu Mỹ không được phép tái diễn những hoạt động tương tự trong tương lai. Hàng loạt nghị sĩ, thủ lĩnh phe đối lập kêu gọi điều chỉnh quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Trong khi Mỹ chỉ trích, Trung Quốc ra sức bảo vệ Chính phủ Pakistan, khen ngợi Chính phủ Pakistan đã mạnh mẽ, chủ động, đóng góp rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong một bài diễn văn sau cái chết của Bin Laden, Thủ tướng Gilani tuyên bố Trung Quốc là “người bạn luôn sát cánh với Pakistan”.

Nhà nghiên cứu Andrew Small thuộc Quỹ Marshall của Đức nhận định chuyến thăm lần này của ông Gilani chính là để khẳng định tuyên bố trên. Phải chăng Pakistan muốn cho Mỹ và quốc tế thấy rằng Pakistan còn nhiều sự lựa chọn khác chứ không chỉ có Mỹ? Hơn thế, việc Thượng nghị sĩ Mỹ, ông John Kerry, trong cuộc đối thoại với chính quyền Islamabad vừa qua, cảnh báo “một số thành viên Quốc hội Mỹ đang kêu gọi xem xét viện trợ cho Pakistan” khiến ông Gilani không thể không có những tính toán dài hơi.

Hu Shisheng, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc với Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội để tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Pakistan, để Pakistan thấy Bắc Kinh là một đối tác kiên định, không như Washington “thường xuyên thay đổi và đòi hỏi”.

Trên thực tế, Pakistan và Trung Quốc có mối quan hệ khá gần gũi từ xưa đến nay. Về chính trị, 2 bên là đối tác trong việc kiềm chế sức mạnh của Ấn Độ, nước từng có xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan. Islamabad còn hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Trong cuộc xung đột giữa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Hán tại Tân Cương năm 2009, Pakistan đã lên án cuộc bạo động này và được Trung Quốc đánh giá rất cao. Trong khi đó, hợp tác kinh tế giữa 2 nước không ngừng phát triển. Năm 2010, thương mại 2 chiều Trung Quốc - Pakistan đạt 8,7 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2009.

Trung Quốc còn góp mặt trong các dự án mang tính chiến lược tại Pakistan: xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Punjab; cảng nước sâu Gwadar tại vùng biển Arab thuộc Pakistan… Trong khi đó, số tiền mà Mỹ viện trợ phát triển kinh tế và an ninh cho Chính phủ Pakistan 10 năm qua - phần lớn rót vào cuộc chiến chống khủng bố - chỉ là 20 tỷ USD. Trong một cuộc thăm dò ý kiến năm 2010 tại Pakistan, 85% số người được hỏi cho biết họ có thiện cảm với Trung Quốc, trong khi có đến 68% không “ưa” Mỹ.

Có thể thấy, sau 10 năm, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã đạt được ít nhiều thành quả với việc Bin Laden bị tiêu diệt. Nhưng cũng chỉ vì cuộc chiến này mà Mỹ đang đẩy một đồng minh thân cận tại khu vực mà Mỹ rất muốn gây ảnh hưởng là Pakistan ra khỏi vòng tay của mình. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục