Cơ hội vào thị trường Nhật Bản

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản là 13,3 tỷ USD, năm 2010 đã tăng lên 16,6 tỷ USD. Con số năm nay sẽ còn tăng mạnh hơn. Đó là nhờ hiệu lực của hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJPA), thuế suất các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bình quân từ 5,4% năm 2008 xuống còn 1,4% năm 2009.

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản là 13,3 tỷ USD, năm 2010 đã tăng lên 16,6 tỷ USD. Con số năm nay sẽ còn tăng mạnh hơn. Đó là nhờ hiệu lực của hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJPA), thuế suất các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bình quân từ 5,4% năm 2008 xuống còn 1,4% năm 2009.

Với việc hàng loạt các dòng thuế được cắt giảm, ông Tadashi Kikuchi, tùy viên Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn do Nhật Bản thiếu nhiều sản phẩm về vật tư, lương thực, thực phẩm... phục vụ công tác tái thiết các vùng, miền sau thiệt hại nặng nề của đợt động đất và sóng thần vừa qua. Tình trạng lũ lụt tồi tệ ở Thái Lan, khiến nhiều tập đoàn lớn của Nhật như Toyota, Sony, Canon, Toshiba... bị thiệt hại nặng nề, nhà đầu tư Nhật chuyển hướng khảo sát sang Việt Nam đầu tư.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công thương, với VJPA, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có lợi thế nhất do Nhật Bản dành ưu đãi đặc biệt so với các nước ASEAN khác. Nhật Bản là nước tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 40% nhu cầu thủy sản các loại, trong đó, nhiều nhất là cá hồi, kế đến là cá ngừ đại dương, mực, bạch tuộc, cá thu, tôm các loại (sú, thẻ chân trắng, hùm).

Nhưng về giá trị, các mặt hàng tôm (sú, thẻ chân trắng) như tôm tươi sống, đông lạnh và sơ chế chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản. Cùng với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam là nhà cung cấp tôm hàng đầu của Nhật Bản. Nhờ VJPA, 10 tháng qua, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản cao hơn 20% so với giá trung bình của Thái Lan và hơn 16% so với giá từ Ấn Độ, chỉ thấp hơn 5,5% giá trung bình tôm xuất khẩu từ Indonesia, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào đây xây dựng nhà máy chế biến sâu nên mặt hàng tôm chế biến ở đây được nâng cao giá trị gia tăng khi xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, điều mà bất cứ nhà xuất khẩu nào cũng phải quan tâm, đặt lên hàng đầu đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường. Các DN xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện trên mới có thể thâm nhập vào một thị trường khó tính như Nhật. Từ năm 2016, thị trường Nhật Bản sẽ mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa các nước từ ASEAN và Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu.

Để nắm bắt cơ hội, ông Tadashi Kikuchi cho rằng, các DN Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại để tìm hiểu thị trường Nhật Bản qua đó tìm kiếm đối tác. Bên cạnh những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, hơn 90% DN Nhật Bản là dạng vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam cần trang bị kiến thức về nền văn hóa Nhật Bản, điều không thể thiếu khi làm ăn ở Nhật Bản. Đối với thị trường Nhật, giá rẻ thôi vẫn chưa đủ, chưa thể bán được hàng hóa mà chính chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quyết định.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục