Cô Kiều của làng Gò Cỏ

Xưa kia, cộng đồng làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) gần như sống biệt lập trong eo biển hoang sơ, khắc nghiệt, ít giao thiệp với bên ngoài. Những tưởng vùng đất ấy sẽ bị bỏ quên, nhưng cho đến một ngày cô Kiều tìm đến. Chỉ hơn 5 năm, cô đã mang đến làn gió mới, hồi sinh vùng đất Gò Cỏ, khai phá những nét đẹp sâu kín trong con người ở làng cổ này. 
Cô Kiều của làng Gò Cỏ

Nữ thủ lĩnh cộng đồng

Thoạt nghe người làng Gò Cỏ gọi cô Kiều, tôi liên tưởng đến một phụ nữ lớn tuổi, “gạo cội” của làng. Thế nhưng trước mặt tôi lại là một cô gái trẻ, nhỏ nhắn, gương mặt khả ái, có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Diễm Kiều (31 tuổi). 

Kiều sinh ra tại một làng quê nghèo ở xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Dù tuổi còn trẻ, song Kiều là người từng trải, thông minh, kiên nghị và quyết đoán. “Tôi đam mê làm du lịch từ lúc còn học phổ thông. Khi vào đại học tôi chọn ngành Việt Nam học để có nhiều kiến thức về đất nước, con người, văn hóa, phong tục, lịch sử dân tộc. Ra trường tôi từng có nhiều trải nghiệm ở đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm nên bản thân tích lũy được nhiều kiến thức làm du lịch cộng đồng”, Kiều tâm sự.

Ngồi giữa căn nhà tranh, vách đất theo kiến trúc cổ xưa, bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi, làng Gò Cỏ), nhớ lại: Những năm 2017 trở về trước, làng Gò Cỏ sống khép mình, rất ít giao thiệp với bên ngoài, nên người bên ngoài gán cho cái tên là xứ “khỉ ho, cò gáy”, bao đời vẫn kham khổ. Cũng vì quá khó khăn nên những người trẻ đều rời làng đi tha hương làm ăn, trong làng toàn người già, trẻ con, phụ nữ nên chỉ quanh quẩn trồng rau, củ, đánh cá ven bờ. Tuy sống khép mình, nhưng văn hóa tinh thần của người Gò Cỏ rất phong phú, với những chầu hát bài chòi, hát hố, thể hiện tinh thần sinh hoạt tập thể. Đặc biệt, Gò Cỏ lưu giữ nhiều giá trị nhân văn, thuần túy, chất phác và có tinh thần tập thể rất cao. Nhận thấy giá trị quý báu trên, từ năm 2017, Kiều tình nguyện đến để thuyết phục dân làng chung tay làm du lịch cộng đồng.

Những ngày đầu, Kiều và cộng sự gặp phải rất nhiều khó khăn, kể cả sự phản đối gay gắt từ người dân Gò Cỏ. “Thời điểm đó, dân làng họ chưa hiểu hết, cứ nghĩ chúng tôi chỉ vì mục đích kinh tế, lợi nhuận mới đến đây. Nhiều người còn nói rằng, làng toàn người già, trẻ con, hơi sức đâu mà làm du lịch. Có lúc tôi rất bế tắc vì không chỉ gặp khó từ cộng đồng mà chính quyền ban đầu cũng chưa ủng hộ”, Kiều nói. Để thuyết phục người dân ở làng, Kiều kết nối, đưa các đại diện, bô lão đi tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng ở Hội An, Cù Lao Chàm. “Đến khi tôi đưa họ đi tham quan bên ngoài, đến những cộng đồng du lịch, khu resort với các dịch vụ đắt đỏ thì họ mới biết được du lịch là gì”, cô kể.

Ngày đó, mỗi đêm Kiều đều mời các bô lão, người dân uy tín trong làng họp lại để trình bày ý tưởng của mình. Cô giải thích cho người dân hiểu rằng, khi làm du lịch cộng đồng thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ chính công sức, trí tuệ, giá trị văn hóa, di sản của vùng đất quê mình. Người dân được biết, được bàn, được làm và tự quản lý. Nhiều hôm dân làng trao đổi say sưa suốt cả đêm, rạng sáng mới chịu ra về. Dần dà, người dân Gò Cỏ bắt đầu hiểu, tin tưởng và làm theo. Họ bắt tay dịch chuyển những hòn đá cuội cổ ven đường vào làng, sắp xếp lại nhà cửa, vườn tược, trại chăn nuôi gia súc, quét dọn giếng Chăm cổ, xây lại cột rơm khô, đan giữ thuyền nan…để làm du lịch. Chỉ vài tháng sau, Gò Cỏ đón những đoàn khách đến tham quan.

Ban đầu, đoàn du khách là sinh viên các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh, Nepal… và cả du khách bản địa đến tham quan, nghiên cứu. Từ đó, du khách cả nước biết và đến Gò Cỏ rất nhiều. Người làng Gò Cỏ thì rất tự nhiên, họ đón tiếp khách bằng những gì họ đang có, rất thuần túy, nhân văn. “Tôi lại nghĩ rằng, trong ngành du lịch thì du lịch cộng đồng mới là giải pháp sống còn, bền vững và cao cấp nhất. Ngay từ đầu đến Gò Cỏ, tôi đã nhận thấy đây chính là quê hương thứ 2 của mình, chỉ ở đây tôi mới thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay”, Kiều chia sẻ.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc

Từ ngày đầu về bám trụ ở làng Gò Cỏ, Kiều bắt đầu tìm hiểu tính cách dân làng. Qua đó, cô phát hiện nhiều giá trị tiềm ẩn trong con người ở ngôi làng cổ này. Rồi cô đưa ra công thức riêng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với tập quán, tính cách của dân làng. Kiều có công phát hiện ra nhiều nhân tố, nghệ nhân bài chòi, hát hố để thành lập hội bài chòi, hát hố của làng.

Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, nhìn nhận, đây là cộng đồng rất có trách nhiệm với môi trường sinh thái, di sản văn hóa cổ Sa Huỳnh thông qua những lớp học cộng đồng, hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường xanh, di sản, địa chất…Tháng 12-2020, HTX Du lịch cộng đồng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Như trường hợp bà Huỳnh Thị Thương, không chỉ hát bài chòi rất hay mà còn có khả năng sáng tác, phát triển bài chòi bắt nhịp thời cuộc, dẫn dắt được cộng đồng tham gia. Ngoài ra, Kiều còn tập hợp những ngư dân đánh bắt ven bờ thành lập tổ đánh cá; lập ra tổ làm nông dân, trồng củ và rau xanh; lập tổ đan lưới và tổ làm bánh… Trên cơ sở đó, dân làng Gò Cỏ đều đi đăng ký hộ kinh doanh, tiến tới thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ với 37 thành viên, 9 tổ du lịch cộng đồng như: homestay, ăn uống, giao lưu, bài chòi, hát múa; 3 tổ trải nghiệm nấu ăn, đan lưới, làm nông dân và 9 tổ trải nghiệm thuyền chèo bằng tre. 

Người Gò Cỏ dần biết làm du lịch cộng đồng, biết đón du khách, sẵn sàng thay đổi để góp sức xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp. Bà con đã ý thức được và gìn giữ những bụi cây, hòn đá, giếng cổ, mái nhà tranh, ngư lưới cụ… để làm du lịch. Nhiều nhà được hướng dẫn đã bắt đầu làm homestay đón khách với các tên gọi rất vui như: Khoai lang homestay, Cây ổi homestay, bánh ít… 

Ngư dân làng Gò Cỏ sử dụng thuyền nan đưa đón du khách tham quan di sản địa chất 
trong lõi văn hóa Sa Huỳnh niên đại 3.000 năm (ảnh chụp vào thời điểm chưa có dịch). Ảnh: XUÂN HUYÊN

Năm 2019, lấy danh nghĩa HTX du lịch cộng đồng Gò Cỏ, Kiều kết nối xin được dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” với tổng vốn 10.000USD, do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ. Kiều còn vận động thành lập được Quỹ phát triển cộng đồng tại Gò Cỏ, cho các hộ dân vay không lãi suất để đầu tư làm du lịch. “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm một số HTX du lịch cộng đồng ở các thôn, làng lân cận như: Long Thạnh 2, Long Đức 1 và mở rộng để thành lập liên minh các HTX kiểu mới làm du lịch cộng đồng. Ước mơ cuối cùng của tôi là xây dựng nơi đây thành ngôi làng hạnh phúc. Bởi, chỉ khi tìm thấy hạnh phúc thực sự thì mọi giá trị đạt được sẽ bền vững, lợi ích lâu dài”, Kiều tâm sự.

Ngồi kế bên, bà Huỳnh Thị Thương xúc động: “Cũng nhờ sức trẻ, sự thông minh của cô Kiều mà làng Gò Cỏ mới được như hôm nay. Bây giờ, Gò Cỏ đã được lên ti vi, báo chí,  được cả nước biết đến. Hôm nay người ngoài cũng đã có cái nhìn khác về Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ cũng rất tự hào về làng. Rồi vài năm sau, con em chúng tôi được về lại quê nhà để góp công, góp sức cùng người già trong làng làm du lịch, sống no ấm trên chính quê hương mình, không còn tha hương”.

Làng Gò Cỏ (diện tích 105ha) nằm trong vùng lõi của Trung tâm Di sản, Văn hóa cổ Sa Huỳnh rộng 1.700ha. Không chỉ vậy, làng còn là không gian sinh sống của lớp người Chăm Pa, sau cùng người Việt đến sinh cơ, lập nghiệp. Dấu ấn để lại vẫn còn hiện hữu, gồm: 12 giếng cổ, miếu mạo của người Chăm, nền đá dựng làng, tường rào đá bao quanh làng của người Sa Huỳnh cổ để ngăn thú dữ, giữ đất giữ làng. Ngoài ra, qua canh tác, sinh sống, người làng Gò Cỏ làm phát lộ thêm nhiều bình gốm tùy táng của người Chăm cổ. Trong chuyến khảo sát, nghiên cứu tại làng Gò Cỏ năm 2019 để xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, Tiến sĩ Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, cho biết, tại làng Gò Cỏ, chúng tôi ghi nhận nhiều di sản văn hóa từ nền văn minh Sa Huỳnh rực rỡ cho đến người Chăm Pa, sau cùng là người Việt. Trong chính đời sống, canh tác, người làng Gò Cỏ bây giờ vẫn giữ được sự giao thoa, kế thừa nhiều nét văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và người Việt. Cụ thể, con người nơi đây có thể đi biển đánh cá, trồng củ, rau, canh tác lúa nước và chăn nuôi gia súc (vừa làm biển, vừa làm nông)…

Tin cùng chuyên mục