Cứu người, bảo vệ môi trường biển
Trong hơn 20 năm hành nghề biển, anh Hải không thể nhớ hết mình đã cứu giúp bao nhiêu người, bao nhiêu tàu. Anh Hải cứu người không phải để được trả công, bởi anh quan niệm: “Người ta lâm nạn đã cùng cực lắm rồi, sao mình có thể ngửa tay nhận tiền công”. Có những trường hợp như cứu 6 thuyền viên tàu chở than HD 1745 năm 2015. Mặc dù đang trên hành trình đi đánh bắt, nhưng ngay khi nhận được tín hiệu cầu cứu, anh đã cho tàu quay lại vị trí tàu gặp nạn. Vừa khi đến nơi, chỉ kịp cứu 6 thuyền viên thì tàu chở than chìm.
Hay như lần anh cho tàu vào bờ tránh bão số 7 năm 2010, khi đến cửa Cờn, anh được Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Cờn (Đồn biên phòng Quỳnh Phương) thông báo có một tàu của xã Quỳnh Lập bị hỏng máy, đang trôi tự do trên biển, trên tàu có 7 thuyền viên. Dù trời đã về chiều, gió và sóng bắt đầu lớn dần và tàu đã cập âu thuyền, nhưng anh Hải vẫn kêu gọi anh em bạn thuyền quay ngược ra biển cứu người. Khi biết anh quay ra khơi, cả nhà lo lắng chạy theo ngăn cản nhưng tàu đã rời bờ… Tiếp cận tàu gặp nạn, gió và sóng lớn, rất nguy hiểm nhưng bằng trái tim quả cảm, anh Hải và bạn thuyền đã lai dắt tàu bị nạn vào bờ, cứu được 7 thuyền viên. “Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao mình quyết định liều như vậy, nhưng thật may mắn là quyết định ấy đúng. Nếu khi ấy tôi không cho tàu quay lại thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, rồi phải ân hận suốt đời”, anh Hải kể.
Chi bộ Hội Nghề cá Quỳnh Lập vừa được thành lập, anh Phan Văn Hải được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã. Ông Hồ Sỹ Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập, cho biết, mỗi lần đến kỳ sinh hoạt chi bộ, dù đang đánh bắt ngoài khơi, anh Hải đều tính toán để về bờ sinh hoạt. “Cơn bão số 9 tháng 12-2021 vào Biển Đông, tôi nghĩ anh Hải neo đậu thuyền đâu đó không về sinh hoạt chi bộ được. Vậy mà bấm máy gọi, anh nói như hét trong điện thoại là hết bão về bờ ngay để họp chi bộ cuối năm”, ông Hoàng cho biết. Nói về sinh hoạt Đảng, anh Hải tâm sự, khác với các chi bộ trên đất liền, Chi bộ Hội Nghề cá Quỳnh Lập là chi bộ đặc thù, với 15 đảng viên. Chỉ riêng việc sinh hoạt, chi bộ cũng phải tranh thủ khi không ra khơi do có bão, biển động lớn, mùa trăng… Có đợt, khi sinh hoạt vắng 2 đảng viên vì vào bờ tránh bão ở Quảng Ngãi và Quảng Nam, chi bộ nảy ra sáng kiến kết nối điện thoại cho 2 đảng viên họp trực tuyến.
Ngoài các nhiệm vụ chính trị theo quy định của Đảng, theo anh Hải, chi bộ có 2 nhiệm vụ quan trọng là tham gia cứu nạn cứu hộ và tìm kiếm ngư trường. Lúc có tai nạn, các đảng viên tiên phong ứng cứu, khi tìm và phát hiện được ngư trường thì có trách nhiệm thông báo cho tàu bạn biết để cùng ứng cứu. Đồng thời chi bộ còn tiên phong, tích cực tham gia, vận động vệ sinh môi trường biển. “Bây giờ rác thải trên biển có thể nói là kinh hoàng, cách bờ khoảng 70 hải lý vẫn gặp rác thải. Các loại túi ni lông, chai nhựa, tất tay, tất chân… khắp nơi trên biển. Lúc trời gió còn đỡ, nhưng khi lặng gió rác thải bám vào lưới, có thời điểm dày đặc. Chỉ riêng việc gỡ rác thải khỏi lưới đã tốn rất nhiều công sức”, anh Hải nói. Từ thực tế này, anh Hải đã đề xuất lên chính quyền xã và bắt đầu xây dựng Đề án ngư dân bảo vệ môi trường biển. Theo đó, mỗi tàu sẽ trang bị một thùng đựng rác, các loại rác thải sau khi dùng bỏ hết vào, không ném xuống biển như lâu nay. Khi tàu vào bờ, thùng rác sẽ giao lại cho hội phụ nữ phân loại rồi bán đồng nát. Số tiền thu được sẽ tích cóp, quyên góp thêm để hỗ trợ các gia đình nghèo khó của địa phương.
Ra biển lớn khẳng định chủ quyền
Gia đình anh Phan Văn Hải có truyền thống đi biển lâu đời. Ngay thời ông và cha anh đã có 2 tàu lớn đánh bắt xa bờ. Mặc dù gia đình có truyền thống nhưng ước mơ của anh vẫn muốn làm cán bộ xã. Anh tham gia Đoàn thanh niên xã, rồi được cử đi học lớp tại chức về luật tại TP Vinh. Nhưng khoảng năm 1999, tàu của gia đình anh đánh bắt không hiệu quả. Anh cảm thấy mình sức dài vai rộng mà để “hai ông già” tự xoay xở cũng… khó coi nên nối nghiệp, rẽ sóng vươn khơi. Đến nay, gia đình anh đã có 5 tàu, trong đó có 3 tàu trên 800CV chuyên vươn khơi xa bám biển, tạo việc làm thường xuyên cho 25-26 bạn thuyền với mức lương trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Từ xưa, người dân Quỳnh Lập nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung chủ yếu đánh bắt trong vịnh Bắc bộ và các ngư trường gần, chưa bao giờ ra ngư trường Hoàng Sa. Trong những lần tàu vào Quảng Ngãi, Quảng Nam neo đậu, anh Hải lân la tìm hiểu về ngư trường Hoàng Sa. Ở đó không chỉ dồi dào về nguồn hải sản, mà quan trọng nhất là biển của mình, nơi ông cha đã khẳng định chủ quyền biển đảo suốt bao đời. “Mình bàn với gia đình và anh em bạn thuyền vươn khơi Hoàng Sa bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, lại dồi dào hải sản nhưng ai cũng phản đối. Thuyết phục mãi, năm 2014, con tàu 720CV của mình cùng các anh em tiến ra ngư trường Hoàng Sa”, anh Hải kể. Theo anh Hải, lâu nay ngư dân Quỳnh Lập ra khơi chỉ trong khoảng 70-80 hải lý, còn ra ngư trường Hoàng Sa đến 380 hải lý. Nhưng từ chuyến đi của anh, đã khích lệ ngư dân Quỳnh Lập vươn khơi xa. Sang năm 2015, có 7 tàu; năm 2016 có 16 tàu và đến nay có cả trăm tàu đã và đang bám biển Hoàng Sa.
Ông Hồ Sỹ Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho biết, anh Phan Văn Hải thực sự là một đảng viên sống trong lòng dân, có uy tín trong Đảng bộ, được hội viên Hội nghề cá bầu chọn Chủ tịch hội và hết lòng vì hội viên. Nghề cá là nghề đặc thù, ngoài trình độ, chủ tịch hội còn phải có tín nhiệm cao thực sự thì mới được suy tôn. Anh Hải liên tục là điển hình của xã trong phong trào học tập và làm theo Bác, được các cấp đánh giá cao về cống hiến trong công tác giữ gìn chủ quyền biển đảo, cứu nạn cứu hộ trên biển… |