Có một ngôi chùa nghệ sĩ

Có một ngôi chùa nghệ sĩ

Đôi khi, có những người bạn từ phương xa đến, hỏi tôi rằng, thành phố này có điều chi lạ mà hay? Thường thì tôi không thể trả lời chóng vánh câu hỏi ấy, bởi những điều mình biết cũng có giới hạn. Thế rồi, một ngày nọ, tôi chợt “ngộ” ra rằng, để giới thiệu điều lạ mà hay cho những người bạn từ phương xa đến tôi có thể tự hào nói về một ngôi chùa độc đáo có tên gọi “Chùa Nghệ sĩ”…

Có một ngôi chùa nghệ sĩ ảnh 1

Sân khấu là cuộc đời/ Tu là cội phúc - đó là tâm niệm của những nghệ sĩ xây dựng “Chùa Nghệ sĩ”.

Nằm ven làng hoa Gò Vấp, ngôi chùa vốn có tên là Nhựt Quang Tự, nhưng từ lâu vẫn được gọi là “Chùa Nghệ sĩ”. Người giữ vai trò gần như trụ trì lại là một người phụ nữ không hề xuống tóc, qui y, đó là NSND Phùng Há.

Trong những dịp ghé thăm “Chùa Nghệ sĩ”, tôi được biết ngôi chùa này có một “sự tích” kỳ lạ. Vốn là vào năm 1948, các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Sài Gòn như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang, Duy Lân v.v… đã sáng kiến thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế do bà Phùng Há làm hội trưởng (trụ sở đặt tại 133 Cô Bắc-Sài Gòn). Hội này chuyên hoạt động từ thiện, tương thân tương ái giữa các nghệ sĩ. Năm 1957, bà Phùng Há vận động Hội Trường đua Phú Thọ cho một suất tiền (bằng một suất tiền bán vé xem đua ngựa) là 156 ngàn đồng để mua một mảnh đất xây chùa và nghĩa trang cho nghệ sĩ. Mảnh đất có giấy bằng khoán số 326, lập ngày 29-10-1958, có diện tích là 6.080m2

Nhưng bấy giờ nơi đây là một vùng đất hoang vu, nói như dân địa phương là “đất ma”. Tuy bị coi là “đất ma” nhưng vào năm 1969 cũng có người đến nương náu. Đó là ông Lê Minh Công (Năm Công) - một quản lý đoàn cải lương, dường như đã chán chường đời sống nghệ sĩ, xin cất một cái am nhỏ, sống đời tu hành với pháp danh Thích Quảng An (Tỳ kheo). Nhưng ông Năm Công ăn chay, niệm Phật chưa được bao lâu thì “nợ đời” réo gọi. Vả lại, khi cất am, dù chỉ là một cái am nhỏ, ông Năm Công vốn rất nghèo đã phải đi vay mượn tiền. Khi lập am, ông cũng nghĩ tới chuyện có người “cúng dường” để có thể sống và trả nợ, nhưng nơi đây hẻo lánh quá, chẳng “ma” nào đến, thế là ông “đổ nợ”. Để có tiền trả nợ, ông đã đến gặp bầu Xuân (chủ đoàn cải lương Dạ Lý Hương trước 1975 và hiện nay là trưởng ban quản trị “Chùa Nghệ sĩ”) xin “cứu viện”. Quả là éo le, vì đất là đất của Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, còn am thì của ông Năm Công. Nếu ông Năm Công không trả nợ thì người ta sẽ “xiết đất”. Thế là bầu Xuân phải bỏ ra 135 ngàn đồng để đưa cho ông Năm Công trả nợ. Miếng đất do đó được “mua” đến hai lần…

Sau khi đưa tiền cho ông Năm Công trả nợ, Nhựt Quang Tự chính thức được xây dựng, đến cuối năm 1970 thì cơ bản hoàn thành, nhưng lúc bấy giờ Nhựt Quang Tự vẫn là một ngôi chùa nhỏ, khiêm tốn, nằm ở một nơi hẻo lánh, đường đi lại hết sức khó khăn. Qua thời gian, chùa được tu bổ dần. Đến khoảng những năm 1990 thì Nhựt Quang Tự trở thành một ngôi chùa khang trang, nằm ven làng hoa Gò Vấp nổi tiếng, với cái tên gọi gần gũi, quen thuộc: “Chùa Nghệ sĩ”.

Trong khuôn viên “Chùa Nghệ sĩ” còn có một nghĩa trang cho những nghệ sĩ nổi tiếng lẫn vô danh khi trở về với cát bụi. Hiện ở đây có khoảng 400 phần mộ và 300 phần cốt. “Chùa Nghệ sĩ”- đúng như tên gọi của nó… nghệ sĩ nhất trong các chùa. Bởi, ở đây không lấy bất cứ một khoản tiền nào, từ việc mua hòm, chôn cất, xây mộ đến việc cúng giỗ, tụng niệm v.v… Có thể nói, có được những điều kỳ lạ từ ngôi chùa ấy là nhờ rất nhiều công, đức của NSND Phùng Há. Chính bà là người đầu tiên nảy ra sáng kiến xây dựng chùa và nghĩa trang cho nghệ sĩ. Cũng chính bà, dù đã bước lên đỉnh cao danh vọng vẫn gạt bỏ những phù hoa, dồn sức làm công tác từ thiện, cứu trợ v.v…

Rất có thể những người đang thực hiện chương trình Chuyện lạ VN - tìm kiếm những kỷ lục Guinness sẽ tìm đến ngôi chùa này trong một ngày gần đây nhất…

TRẦN NHÃ THỤY

Tin cùng chuyên mục