Có nên trữ vàng?

Giá vàng đã có một dạo lên đến “kịch trần”: 1,5 triệu đồng/chỉ. Sau thời gian ngắn xuống chút ít, nay nó lại mon men con số đó. Giá vàng lên xuống thất thường làm một số giao dịch quy ra vàng bị ảnh hưởng. Chính giá vàng trồi sụt liên tục với biên độ cao đã phát triển hiện tượng trữ vàng. Nói “phát triển” vì thực tế tâm lý (và cả nhu cầu) trữ vàng đã tồn tại khá lâu, bởi khi đồng tiền bị mất giá thì trữ vàng là cách “giữ vốn” hiệu quả nhất. Tâm lý này hiện nay vẫn còn tồn tại dù nhiều người đã bán vàng để đầu tư bất động sản hoặc ngoại tệ mạnh.

Thời gian gần đây, với sự điều chỉnh hợp lý của nhà nước, lạm phát đã được kiềm chế, sự trượt giá của đồng tiền là có nhưng ở mức kiểm soát được. Song việc mua vàng dự trữ vẫn xảy ra. Theo tôi, có 3 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, một số người vẫn không chắc chắn sự ổn định của đồng tiền có được đảm bảo dài lâu. Do đó, họ mua vàng cho chắc (chấp nhận mua vàng gửi ngân hàng lãi suất rất thấp so với lãi suất tiền mặt). Thứ hai, họ cho rằng, chỉ có tiền là mất giá chứ vàng thì không bao giờ mất giá. Thứ ba, giá vàng trồi sụt nên nhiều người lựa lúc vàng xuống thấp rồi mua vào, chờ vàng tăng giá sẽ bán ra, chờ chu kỳ mới.

Đối với từng cá nhân, việc trữ vàng có thể có lãi, có lỗ nhưng đối với toàn xã hội là một việc có hiệu ứng tiêu cực. Đó là sự “chôn vốn” hay “đóng băng vốn”, không chỉ làm mất cơ hội kinh doanh của bản thân người trữ vàng mà còn làm giảm đầu tư của toàn xã hội. Khi nhiều người đổ xô mua vàng còn tạo cơn sốt ảo, tác động tiêu cực đến thị trường nói chung. Vì vậy, xét cho cùng, trữ vàng tuy khá “an toàn” (thực tế chỉ tương đối) nhưng là hoạt động mang tính “bảo thủ”, thụ động.

Nếu xã hội có nhiều người làm theo phương thức này sẽ dẫn đến nền kinh tế trì trệ, chậm phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà một cơ quan của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc vừa lên tiếng chỉ trích nhiều doanh nghiệp Việt Nam quá ham đầu cơ. Thực chất, đầu cơ cũng là một biểu hiện thụ động, tức là không phải làm gì nhiều: Sau khi mua hàng giá rẻ (nhất là bất động sản) chỉ việc chờ giá lên cao rồi bán, làm giảm số lần quay của đồng vốn, tức là làm thị trường bị ngưng trệ, đình đốn.

Sự đầu cơ cũng có cùng nguyên nhân với tâm lý trữ vàng, biểu hiện sự thiếu an tâm và tin tưởng vào vai trò điều tiết thị trường của nhà nước. Chính điều này buộc các cơ quan chức năng cần xem xét lại tính hiệu quả của công tác quản lý giá cả, điều tiết thị trường theo hướng ổn định, kích thích kinh tế tăng trưởng, phát triển.

Nguyễn Minh Hải
(Quận 3 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục