Xuất khẩu vào Campuchia

Có nhiều lợi thế

Có nhiều lợi thế

Đại sứ quán Việt Nam (VN) tại Campuchia (CPC) cho biết: Ngay từ năm 2003, thị phần hàng VN đã chiếm khoảng từ 45%-50%. Tại một số chợ, trung tâm thương mại các tỉnh giáp biên giới CPC-VN, sản phẩm Việt Nam đã chiếm tới 60% thị phần. Riêng TPHCM đã có tới 30 DN mở chi nhánh tại CPC.

Gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng

Có nhiều lợi thế ảnh 1

Sản xuất các loại xe đồ chơi trẻ em bằng nhựa xuất khẩu qua thị trường Campuchia. Ảnh: Đức Thành

Campuchia là thị trường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc XK hàng hóa của VN. Biên giới phía Tây Nam VN tiếp giáp với CPC dài tới 1.137 km, trải dài qua 10 tỉnh của VN. Năm 2003, 2 nước mới chỉ có 3 cửa khẩu quốc tế; nay đã có tới 9 cửa khẩu quốc tế và 9 cửa khẩu chính. Ngoài ra, còn có 30 cửa khẩu phụ, 32 chợ biên giới rải đều ở 10 tỉnh. Do vậy, quan hệ mậu biên trên toàn tuyến biên giới giữa VN-CPC diễn ra rất sôi động, phong phú. Theo tính toán, nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, từ cửa khẩu Bình Khánh (An Giang) thì chỉ cách khoảng 80 km là đến thủ đô Phnom Penh, CPC. Tương tự, nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thì từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đến thủ đô Phnom Penh chỉ mất khoảng hơn 3 giờ đồng hồ.

Ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại TPHCM nhận xét: Thế mạnh của hàng hóa VN khi xuất khẩu vào CPC không chỉ dừng lại ở khoảng cách mà nhu cầu mua sắm của người dân CPC gần như tương đồng với nước ta. CPC không phải là thị trường khó tính, không có những quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm nên việc tiếp cận để đưa hàng vào CPC không quá khó.

Trong quan hệ thương mại, CPC vẫn là một thị trường tiêu thụ nên VN luôn ở thế xuất siêu tương đối lớn. Kim ngạch xuất khẩu của VN sang CPC tăng mạnh trong giai đoạn 2001-2006, đạt trên 30% -đến năm 2006 đã đạt 940 triệu USD, tăng 35,5% so với năm 2005. CPC là thị trường XK  lớn thứ 16 của VN, và VN là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào CPC.

Sẽ vươn lên vị trí nhất, nhì nếu…

Theo các chuyên gia, CPC không chỉ dừng lại là thị trường tiêu thụ mà CPC còn là cửa ngõ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để XK hàng sang nước thứ 3. Song thời gian gần đây, do chúng ta chưa chú trọng để tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ và các bộ ngành, các DN còn thiếu chủ động trong việc xâm nhập thị trường nên hàng hóa của VN đang phải cạnh tranh dữ dội với hàng của Thái Lan và Trung Quốc. Trên thực tế, một số mặt hàng như xi măng, sắt thép, phân bón, hàng tiêu dùng của ta đang có nguy cơ mất dần chỗ đứng tại CPC.

Trước thực trạng này, Bộ Thương mại cũng đã soạn thảo đề án phát triển thương mại với CPC giai đoạn 2007-2010. Trước mắt, từ nay đến năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (không tính xăng dầu tái xuất) giữa 2 nước đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng khoảng 27%/năm. Đến năm 2015, phấn đấu để nâng kim ngạch xuất nhập khẩu lên khoảng gần 7 tỷ USD, trong đó VN sẽ xuất khẩu khoảng hơn 5 tỷ USD. Theo đó, một định hướng chiến lược cho từng mặt hàng chủ lực để xuất khẩu sang CPC cũng được đề cập chi tiết trong dự án.

Ông Bùi Văn Em, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch An Giang, cho rằng VN hoàn toàn có thể là nước XK lớn thứ nhất, hoặc nhì vào thị trường CPC, nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề sau: Phải ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư VN-CPC; triển khai mạnh và nhanh Hiệp định Vận tải qua biên giới; triển khai ngay Hiệp định thanh toán nhằm đảm bảo an toàn cho DN. Đã đến lúc ngân hàng VN cần hiện diện tại Campuchia; tăng cường vốn, đẩy mạnh tốc độ đầu tư cho hạ tầng như xây dựng cầu đường, các công trình ở khu cửa khẩu như kho bãi, cửa hàng, trung tâm hội chợ triển lãm-du lịch…; cuối cùng, thủ tục xuất nhập cảnh cần thực hiện đơn giản để có thể “kéo” người CPC sang VN mua bán, trao đổi hàng hóa.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần phải rà soát lại các điểm không còn phù hợp trong những hiệp định đã ký và bổ sung những hiệp định mới để tạo ra hành lang pháp lý đối với các hoạt động của DN, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán. Việc nhập khẩu chính ngạch hàng hóa từ VN vào CPC cũng đang chịu mức thuế rất cao khiến hàng VN ít có lợi thế cạnh tranh tại đây.

Với vai trò là một trong những DN tiên phong của TPHCM, rất thành công tại CPC, Công ty Biti’s lưu ý: Cách tốt nhất để đưa hàng vào CPC là các DN hãy chọn ngay một công ty bản xứ làm cầu nối. DN phải có sự dấn thân, phải thu thập thông tin từ các sản phẩm cùng loại để phân tích giá cả, chất liệu, sau đó tổ chức các đợt bán hàng thăm dòø. Ban đầu, mọi thông tin về hàng hoá đều phải thể hiện bằng ngôn ngữ CPC, riêng về nguồn gốc phải cho họ biết đó là hàng được sản xuất tại VN. Nếu sản phẩm đưa sang không đạt chất lượng sẽ bị tẩy chay. Song song đó, phải tiến hành ngay công tác quảng bá sản phẩm một cách đồng bộ, nội dung quảng cáo cần phải tôn trọng truyền thống của người dân CPC.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục