Cô Phạm Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Chuyên biệt quận 10: Người mẹ đặc biệt

Không ngừng học hỏi
Cô Phạm Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Chuyên biệt quận 10: Người mẹ đặc biệt

Trong môi trường giáo dục chuyên biệt - dạy dỗ trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ - người thầy ngoài tình thương yêu vô hạn dành cho các cháu, còn phải có đức tính hy sinh, nhẫn nại và tận tụy vô cùng. Rèn dạy trẻ khuyết tật được ví  như việc mài sắt thật tỉ mỉ, được lặp đi lặp lại từng giây, từng phút. Hạnh phúc lớn lao của người thầy là qua thời gian, những con trẻ chịu thiệt thòi về thể chất và trí tuệ được hòa nhập dần vào môi trường bình thường. Với cô giáo Phạm Nguyễn Kim Anh, hạnh phúc như được nhân đôi khi được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2012.

Cô Phạm Nguyễn Kim Anh hướng dẫn học sinh chậm phát triển. Ảnh: Mai Hải

Cô Phạm Nguyễn Kim Anh hướng dẫn học sinh chậm phát triển. Ảnh: Mai Hải

Không ngừng học hỏi

Cô bước vào ngành sư phạm mầm non như một lẽ tự nhiên, là sự sắp đặt của số phận. Theo hệ trung cấp 2 năm, 1990 - 1992, ra trường dạy mầm non một thời gian, cô thấy mình còn non nghề. Cô bức xúc khi đôi lúc bất lực trước những tình huống, tình thế không ngờ mà trẻ nhỏ, nhất là các cháu cá biệt gây ra. Thế là cô giáo trẻ tự đặt ra cho mình mục tiêu phải chuyên tâm hơn trong việc học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn.

Sự học đầu tiên là từ chính các đồng nghiệp đi trước. Thương yêu thật sự, phải học - làm chăm chút từng li từng tí một cho các bé, là phẩm chất không thể thiếu của giáo viên mầm non. Cô Kim Anh, với bản tính hiền lành, cần mẫn đã nhuần nhuyễn thật sự những bài học “làm cô giáo - mẹ hiền” giản dị và sinh động từ thực tiễn công tác. Chăm chỉ vừa học vừa làm, cô có được tấm bằng cử nhân giáo dục mầm non.

Năm 2007, Trường Chuyên biệt quận 10 được thành lập, cô giáo Kim Anh được chọn lựa qua làm việc ở môi trường đặc biệt này. Không tự bằng lòng với kinh nghiệm 15 năm dạy giỏi ở mầm non, cô lại tiếp tục vượt khó để theo học hệ đại học giáo dục đặc biệt. Vừa giảng dạy trực tiếp, lại được trang bị thêm những kiến thức cần thiết, quý giá về giáo dục chuyên biệt, qua 5 năm ở môi trường mới này, nghề nghiệp của cô giáo Kim Anh ngày càng được khẳng định với những kết quả khả quan: Ngày càng có nhiều học sinh chậm phát triển trí tuệ được học hòa nhập và học nghề.

Hơn cả làm mẹ

Lớp học của cô giáo Kim Anh đang dạy gọi là tiền học đường 1 - lớp cuối của trường, bao gồm 20 học sinh từ 9 đến 14 tuổi, bị mắc các chứng bại não, tự kỷ, down, tăng động - giảm tập trung… Khả năng tiếp thu của học sinh lớp này rất khó vì tuổi đời và trí tuệ của các cháu rất khác biệt. Điểm đặc thù này buộc cô giáo phải dành cho mỗi bé thêm một giáo án, ngoài giáo án  dùng trong giờ hoạt động chung. Kết quả tốt nhất cho một bé khi qua lớp này là có thể đi học hòa nhập và học nghề. Đây có thể gọi là kỳ tích. Mỗi năm học chỉ có được vài ba em đạt được kết quả này, là sự đánh đổi quý giá cho tâm sức của giáo viên, không gì có thể so sánh được. Số cháu còn lại, tùy mức độ phát triển trí tuệ, có thể tự nâng dần kỹ năng sống, giao tiếp để hòa nhập cộng đồng theo cách tốt nhất có thể.

Yêu cầu tiên quyết đối với cô giáo là phải hiểu từng trường hợp, để chăm lo, dạy dỗ từng chút. Và cuộc đời sau này của trẻ có thể được quyết định bởi từng phút của giai đoạn giáo dục đặc biệt này. Như trẻ bị tự kỷ thường không giao tiếp bằng mắt, cô giáo phải có cách thức, đồ dùng để hướng sự tập trung, chú ý của bé. Với mỗi trẻ không có ngôn ngữ giao tiếp, cô phải nghĩ ra “kênh” tiếp cận riêng. Tùy khả năng nhận thức của mỗi cháu, cô giáo hướng tới từng hành vi của trẻ, dạy rèn các kỹ năng từ đơn giản nhất như cài nút áo, cài tóc đến việc đi giày dép, vệ sinh đúng cách. Mà nào chỉ một vài lần là xong. Có những động tác phải kiên trì rèn nhắc các cháu hàng tháng trời, với sự kiên trì, nhẹ nhõm, đầy tình thương yêu và quan tâm hết mực.

Để rèn chữ cho cháu Võ Trần Gia Bảo, cô Kim Anh phải rất nhẫn nại. Là trẻ bị tăng động giảm tập trung, Gia Bảo không thể ở yên được tới 2 phút. Riêng việc dạy cháu cầm viết, viết được một nét, cô giáo Kim Anh đã phải đánh vật hàng tuần. Dần dà Gia Bảo đọc thông viết thạo, nằm trong số ít cháu ra trường đi học hòa nhập. Năm học này, cậu bé đang học lớp 3 hòa nhập. Cứ thử nhân tình thương và trách nhiệm dành cho Gia Bảo với con số hàng trăm con trẻ đã qua sự dạy dỗ của cô, mới thấy chữ tâm nghề nghiệp của cô giáo Kim Anh nặng nghĩa nhường nào. Không ít phụ huynh học sinh đã xúc động nhắc lại lời con trẻ: “Con thương cô hơn thương ba mẹ”.  

Cô Phạm Thị Xuân Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt quận 10, đã dành cho cô giáo Phạm Nguyễn Kim Anh những lời khen ngợi chân thành: “Dù sức khỏe không tốt nhưng Kim Anh rất cần mẫn, chăm chỉ, hết lòng vì học sinh. Cô là tấm gương ham học, là nòng cốt, chỗ dựa tin cậy về chuyên môn cho các giáo viên trẻ. Giải thưởng Võ Trường Toản mà cô Kim Anh đạt được cũng là vinh dự của toàn trường. Tôi tin rằng, cô mãi là tấm gương nhà giáo trong sáng, luôn nhận được sự tin yêu quý trọng của đồng nghiệp, của học sinh và phụ huynh”.

Phương Nguyên

Tin cùng chuyên mục