Nhiều hoạt động nổi bật tại vòng chung kết Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Công nghệ 2025

Vòng chung kết Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Công nghệ năm 2025 vừa được tổ chức tại Trường Đại học Văn Hiến – HungHau Campus (TPHCM), ngày 29-4. Cuộc thi diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và chuyên nghiệp, khép lại một hành trình đầy cảm hứng dành cho sinh viên yêu thích nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên các trường thuộc Khối thi đua 22 tham gia tranh tài
Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên các trường thuộc Khối thi đua 22 tham gia tranh tài

Với chủ đề “Tuổi trẻ và khát vọng sáng tạo công nghệ”, cuộc thi là một trong những hoạt động nổi bật của Khối thi đua 22 năm học 2024-2025, bao gồm các trường: Đại học Văn Hiến, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Sài Gòn, Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Đại học Hùng Vương TPHCM, Đại học Gia Định, Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Học viện Cán bộ TPHCM. Đồng thời, sự kiện còn hướng tới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 28 năm thành lập Trường Đại học Văn Hiến và hưởng ứng Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, cuộc thi đã thu hút 46 đề tài từ sinh viên các trường tham gia. Qua vòng sơ loại (ngày 8-4-2025), 24 đề tài được chọn vào bán kết, tiếp đó, 13 đề tài xuất sắc nhất đã bước vào vòng chung kết, tranh tài tại sự kiện quan trọng ngày 29-4-2025.

Chủ đề cuộc thi năm nay định hướng thí sinh tập trung phát triển ý tưởng ở những lĩnh vực cấp thiết và giàu tiềm năng như: trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn và kỹ thuật điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, y học, y sinh, công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục và các giải pháp phát triển bền vững.

Một điểm đặc biệt của cuộc thi năm nay là sự đồng hành tích cực từ đội ngũ chuyên gia cố vấn, giúp sinh viên hoàn thiện đề tài không chỉ ở mức ý tưởng mà còn tiệm cận với thực tiễn triển khai. Các tiêu chí chấm điểm gồm: tính khoa học, tính sáng tạo và đổi mới, khả năng ứng dụng và tiềm năng phát triển, đã đảm bảo chọn lựa những đề tài thực sự nổi bật.

Thông qua cuộc thi, sinh viên có cơ hội cọ xát, phát triển kỹ năng nghiên cứu độc lập, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề để các đề tài có thể tiếp tục phát triển trong môi trường nghiên cứu chuyên sâu hoặc khởi nghiệp khoa học công nghệ.

Picture2.jpg
TS. Lê Sĩ Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến tặng hoa cảm ơn Ban Giám khảo vòng chung kết

Ngoài ra, giảng viên các trường trong khối cũng có thêm cơ hội kết nối, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo theo hướng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, Phó trưởng Ban phụ trách chuyên môn cuộc thi cho biết: “Tất cả đề tài tham gia chung kết đều được chọn tham gia chương trình “Vườn ươm khoa học và công nghệ Trẻ” của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM. Các đề tài được đánh giá cao ở sự đầu tư và tính nhân văn, tinh thần hướng đến phục vụ cộng đồng và phát triển xanh bền vững”.

Picture3.jpg
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, Phó trưởng Ban phụ trách chuyên môn phát biểu tại cuộc thi

Theo đại diện Ban Tổ chức, chung kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo Công nghệ 2025 đã thực sự thắp lửa đam mê sáng tạo trong thế hệ trẻ, khẳng định vai trò chủ đạo của sinh viên trong sự nghiệp đổi mới khoa học công nghệ quốc gia. Thành công của cuộc thi là minh chứng sống động cho tinh thần “Tuổi trẻ đổi mới sáng tạo vì tương lai”, góp phần lan tỏa giá trị tri thức, khát vọng cống hiến và tinh thần phát triển bền vững trong cộng đồng học thuật Việt Nam.

Picture4.jpg
Với phần thi ấn tượng, sản phẩm mang tính công nghệ đột phá sinh viên Văn Hiến xuất sắc đạt giải Đặc biệt và giải Nhất cuộc thi

Kết quả chung kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo Công nghệ 2025

1. Giải Đặc biệt:

- Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong nghiên cứu, phát triển hệ thống điều khiển máy tính bằng giọng nói và tương tác thông minh hỗ trợ người khiếm khuyết trong việc sử dụng công nghệ - AccesssiCore AI - Trường Đại học Văn Hiến

2. Giải Nhất:

- BioAquaHerb: Giải pháp thảo dược sinh học thay thế kháng sinh trong nuôi cá cảnh bền vững - Trường Đại học Văn Hiến

3. Giải Nhì:

- Ứng dụng công nghệ điều khiển không dây cho hệ thống đồng hồ điện tử 24 giây trong bóng rổ - Trường Đại học Văn Hiến

- Đánh giá tác động của phương pháp trích ly đến hiệu suất và đặc tính của pectin thu hồi từ vỏ chanh dây tím (Passiflora edulis Sims.) và định hướng ứng dụng trong lạp xưởng ít béo - Trường Đại học Văn Hiến

4. Giả Ba:

- Phát triển ứng dụng AI hỗ trợ tóm tắt truyện và bài đọc cho học sinh tiểu học - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

- MTTG - Hệ thống kích thích tư duy học tập và hỗ trợ điều chỉnh tư thế ngồi thông minh dành cho người khiếm thị - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

- Tích hợp AR và Edpuzzle trong dạy học chủ đề khoảng cách ở lớp 11 - Trường Đại học Sài Gòn

5. Giải Khuyến khích:

- Phát triển hệ thống quản lý học tập tích hợp - Cá nhân hóa theo năng lực người dùng - Trường Đại học Văn Hiến

- Ứng dụng IoT và Thị giác Máy tính trong giám sát và quản lý tự động ao nuôi cá điêu hồng - Trường Đại học Văn Hiến

- Ứng dụng hỗ trợ nhận diện và đề xuất vị trí đỗ xe thông minh - Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM

- Đánh giá in silico các hoạt chất trong quả Khổ qua rừng (Momordica charantia var. abbreviata Ser.) cho tác dụng điều trị đái tháo đường trên DPP4, GP, SUR và IGF1R - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

- Hệ thống kiosk tự phục vụ tích hợp ứng dụng di động tối ưu hóa thủ tục nhập học và thanh toán học phí trực tuyến cho tân sinh viên - Trường Đại học Văn Hiến

- Nghiên cứu hiệu quả loại bỏ Asen trong dung dịch nước bởi Chitosan được chiết tách từ Ruồi lính đen (Hermetia illucens) - Trường Đại học Sài Gòn.

Tin cùng chuyên mục