Cổ phần đang thế chấp vẫn đem bán

Cổ phần đang thế chấp vẫn đem bán

Phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm

(SGGPO).– Ngày 3-12, phiên tòa phúc thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP HCM và Hà Nội tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên và những người có liên quan để làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền lên tới hơn 260 tỷ đồng qua “phi vụ” chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.

Trước đó trong cáo buộc tại bản án sơ thẩm, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát. Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ngân hàng ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng. Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát) và ông Trần Tuấn Dương (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa

Trước đề nghị này, Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý và ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ngân hàng ACB nhưng không được đồng ý. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ngân hàng ACB. Sau đó, Thép Hoà Phát đã chuyển 264 tỉ đồng mà chưa nhận được cổ phần trên nên đã có đơn gửi cơ quan Cánh sát điều tra đề nghị làm rõ.

Cũng giống như phiên sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, “bầu” Kiên tiếp tục khẳng định mình và ông Trần Đình Long, cũng như Trần Tuấn Dương là bạn bè lâu năm nên không có chuyện lừa đảo nhau. “Trong suốt quá trình điều tra, tôi không tin Hoà Phát tố cáo tôi và tôi cũng không bao giờ tố cáo Hoà Phát. Giữa chúng tôi không thể có chuyện ai lừa ai. Chúng tôi không bao giờ có ý định lừa nhau”- bị cáo Kiên nói.

Để chối bỏ tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngày 21-5-2012, sau khi ký kết hợp đồng, Tập đoàn Hoà Phát và các công ty con của mình đã sở hữu thành công 20 triệu cổ phần của ACBI. Vì cổ phần của Thép Hòa Phát là bút toán ghi sổ, thuộc thực quyền của ông Trần Tuấn Dương. Với thẩm quyền của mình, ông Dương và ông Hà (ông Mai Văn Hà, Phó Giám đốc tại thời điểm ký mua bán cổ phần và hiện là Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát) đã thực hiện việc sang tên cổ phần này cho thép Hoà Phát vì công ty đã gửi thông báo cho Sở KH-ĐT Hải Dương về chuyển nhượng cổ phần.

Hơn nữa, Tập đoàn Hòa Phát trong báo cáo tài chính cũng đã khẳng định số cổ phiếu này nên không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu trên. Không chỉ có vậy, “bầu” Kiên cũng cho rằng ACBI không phải khắc phục hậu quả vì không gây ra hậu quả. Đồng thời, Thép Hòa Phát không thiệt hại bất kỳ khoản nào. “Tôi và Hòa Phát cho rằng đây là tai nạn, số thiệt hại nếu có thì không đáng kể” - bị cáo Kiên nói.

Trong khi đó, bị án Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng của Công ty ACBI) trước câu hỏi của HĐXX về việc cổ phần này đang được đảm bảo cho một khoản khác thì ACBI có được quyền bán không? Bị án Yến trình bày: Theo quan điểm của tôi tại thời điểm soạn biên bản họp HĐQT, tôi nghĩ rằng tài sản đang làm nghĩa vụ đảm bảo vẫn là tài sản sở hữu của công ty và công ty có quyền bán.

Về phía Hòa Phát, ông ông Trần Tuấn Dương cho rằng, không hề biết biết số cổ phần Thép Hòa Phát do bị cáo Nguyễn Đức Kiên bán đang là tài sản thế chấp. Chỉ đến khi cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo mới biết. Ngay sau đó, Hòa Phát có công văn yêu cầu Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Công ty ACBS) trả lời về tình trạng số cổ phần của Thép Hòa Phát. ACBS khẳng định số cổ phần đang là tài sản thế chấp, nếu mua bán, chuyển nhượng là sai phạm.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục