
Cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) đang trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư cả trên thị trường tự do lẫn thị trường niêm yết. Chính vì vậy, kể từ khi Công ty CK Biển Việt công bố chỉ số CBV Nhà đất từ 1-1-2007, nó luôn ở vị trí dẫn đầu về khả năng sinh lời.
Lĩnh vực “nóng”

Đầu tư vào BĐS lợi nhuận lớn, rủi ro cao. Ảnh: Hùng Tín
Ngày 3-7 tới, CTCP Vincom sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) 5 triệu cổ phần thông qua đấu giá. Mức giá khởi điểm được đưa ra cao nhất trong số các DN IPO từ trước đến nay (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần): 80.000 đồng/cổ phần. Không phải tự dưng mà một DN như Vincom có giá khởi điểm cao như vậy.
Bên cạnh việc sở hữu tòa tháp đôi Vincom tại Hà Nội (diện tích cho thuê khu văn phòng đạt 98,3%, khu thương mại đạt 96,4%) - được xếp vào dạng khu liên hợp có tính năng hiện đại nhất trong danh sách các siêu thị và trung tâm thương mại, Vincom còn đang xúc tiến những dự án lớn khác như: dự án xây dựng trung tâm thương mại và khu căn hộ cao cấp cho thuê HH1 25 tầng (Vincom 2) với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là trên 456 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp Công viên Thống Nhất (Hà Nội), xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại Chợ Hôm-Đức Viên (Hà Nội)…
Chào sàn Hà Nội vào ngày 14-6, CP của CTCP Địa ốc Chợ Lớn (mã RCL) có mức giá 181.500 đồng/CP, sau đó, dù thị trường lên xuống thất thường, đến ngày 28-6, CP RCL vẫn tăng thêm 49.600 đồng, đạt mức giá 231.100 đồng/CP. RCL được biết đến với tư cách là chủ đầu tư cũng như hợp tác trong việc thực hiện hàng loạt dự án xây dựng các khu dân cư như: khu dân cư III Bùi Minh Trực (quận 8 TPHCM), khu dân cư Tạ Quang Bửu (quận 8 TPHCM), khu dân cư 6B – Intresco (Bình Chánh TPHCM)…
Trước đó, một số CP của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực nhà đất và xây dựng khác đang niêm yết trên hai sàn Hà Nội và TPHCM như CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà (mã SJS), CTCP KCN Tân Tạo (mã ITA), CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC)… đều là những CP hấp dẫn nhà đầu tư và có thị giá cao trên các sàn. Đặc biệt như SJS sau vài lần chia tách, CP này vẫn đạt đến mức thị giá trên 300.000 đồng/CP.
Theo ông Vũ Đức Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty CK Biển Việt, trong 10 chỉ số là đại diện tiêu biểu của các ngành chính của nền kinh tế Việt Nam (CBV Vận tải, CBV Công nghệ, CBV Máy công nghiệp, CBV Nguyên vật liệu, CBV Nhà đất, CBV Năng lượng, CBV Tiêu dùng, CBV Y tế, CBV Điện nước, CBV Tài chính) thì tính từ 1-1 đến ngày 28-6, khả năng sinh lời của CBV Nhà đất lên đến 63,04% - cao nhất trong tất cả các nhóm.
Lợi nhuận lớn = rủi ro cao
Kinh doanh BĐS được coi là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn nên đang ngày càng có nhiều DN tham gia, cả những “đại gia” trong nước lẫn các DN có tiềm lực tài chính nước ngoài. Đặc biệt vào thời điểm hiện nay, khi mà nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào nhiều, càng làm cho ngành này trở thành lĩnh vực có khả năng sinh lời lớn.
Lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro lớn, lĩnh vực BĐS cũng vậy, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng các nhân tố rủi ro từ chính sách vĩ mô của nền kinh tế, trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh BĐS còn chịu những tác động mang tính đặc thù khác. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hành lang pháp lý hiện vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh và ổn định, đó có thể là chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch và lập, trình duyệt dự án đầu tư, về thi công xây dựng công trình… Một trong những điểm yếu hiện nay của các DN kinh doanh BĐS là tiến độ thi công các dự án thường chậm, do đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, cũng như lợi nhuận của công ty và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá CP mà nhà đầu tư nắm giữ.
Nhu cầu nhà ở chất lượng cao và văn phòng cho thuê ngày càng tăng là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nắm giữ CP an tâm, tuy trong ngắn hạn và trung hạn giá CP BĐS có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên, song trong dài hạn, giá nhà đất sẽ lên và sẽ ảnh hưởng tích cực đến CP mà nhà đầu tư nắm giữ.
Hà My