Hỏi: Cơ quan, tổ chức nào có quyền khiếu nại? Ông Phan Văn Tĩnh (quận 12, TPHCM)
Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế Tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời:
Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, chủ thể của quyền khiếu nại (KN) bao gồm công dân, cơ quan hoặc tổ chức. Điều 65 Nghị định 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về việc áp dụng Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) cho việc giải quyết KN của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; tố cáo của cá nhân nước ngoài.
Các văn bản pháp luật trước đây chỉ quy định quyền KN của công dân mà không quy định quyền KN của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế không chỉ có công dân mà các tổ chức kinh tế, xã hội cũng chịu sự tác động của các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đồng thời, trong quá trình quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước cũng có những quyết định hành chính, hành vi hành chính làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Vì vậy, Luật KNTC đã quy định cơ quan, tổ chức có quyền KN, gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.
Việc KN của cơ quan, tổ chức được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Điều 1 Nghị định 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định thêm: “Cơ quan thực hiện quyền KN thông qua người đại diện là thủ trưởng cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền KN. Tổ chức thực hiện quyền KN thông qua người đại diện là người đứng đầu tổ chức được quy định trong quyết định thành lập tổ chức hoặc trong điều lệ của tổ chức. Người đứng đầu tổ chức có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền KN”.
Trong thực tế từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, đầu tư, tham quan du lịch ngày càng nhiều. Họ được pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình song họ cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại Điều 101 Luật KNTC và Điều 65 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP thì KNTC và giải quyết KNTC chỉ được áp dụng với cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam; chủ thể được quyền KN bao gồm: Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài trong khi chủ thể được quyền tố cáo chỉ là cá nhân nước ngoài. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ thể được thực hiện quyền KNTC mà luật đã quy định cho công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp điều ước quốc tế được nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì việc KNTC và việc giải quyết KNTC của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài sẽ không áp dụng theo Luật KNTC và Nghị định 136/2006/NĐ-CP mà áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
H.H. ghi