Có thật sự giảm căng thẳng ở biển Đông?

Tuyên bố về dự thảo COC

Trong cuộc họp báo ngày 8-3 bên lề kỳ họp Quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết đã có bản thảo về Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đơn phương thực hiện các biện pháp kiểm soát biển Đông.

Tuyên bố về dự thảo COC

Theo Reuters, ngày 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, bản dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) đã được hoàn tất.

Kể từ năm 2010, Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận về một bộ quy tắc nhằm tránh những xung đột giữa các bên cùng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, ông Vương Nghị cho rằng, nhóm công tác chung Trung Quốc - ASEAN đã đạt “tiến triển rõ ràng” về tham vấn và đã hoàn tất bản dự thảo đầu tiên về khuôn khổ COC. Theo ông này, “Trung Quốc và các nước ASEAN cảm thấy hài lòng về điều này”, đồng thời cảnh báo: “Vào thời điểm này, nếu ai đó tìm cách tạo sóng hoặc quấy rối sẽ không nhận được ủng hộ và phải đối mặt với sự phản đối của toàn khu vực”.

Tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục làm nóng biển Đông

Theo ông Vương Nghị, những căng thẳng trên biển Đông không chỉ “giảm ít mà là giảm rõ rệt” trong năm qua và những nước vẫn muốn “gây rối” sẽ bị các quốc gia trong khu vực lên án. Ông Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ để cho tình hình ổn định mà khó khăn lắm mới đạt được ở biển Đông lại bị can thiệp hoặc hủy hoại.

Nói và làm

Thực tế, Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông với kế hoạch xây dựng một hệ thống quan sát dưới nước và đưa khách du lịch đến các khu vực tranh chấp. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống quan sát dưới nước để cung cấp thông tin thời gian thực về nhiều điều kiện đáy biển khác nhau.

Tờ Global Times nói hệ thống sẽ nghiên cứu các đặc tính vật lý và hóa học của biển.  Các chuyên gia thì nói rằng nỗ lực này sẽ giúp Trung Quốc khám phá các nguồn tài nguyên có giá trị như dầu mỏ và khí tự nhiên. Nhưng một số nhà quan sát cho biết thiết bị quan sát là một cách để Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền trái phép đối với phần lớn khu vực biển Đông. Hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng Trung Quốc đã bổ sung vũ khí quân sự trên một số hòn đảo.

Euan Graham là một chuyên gia về an ninh biển Hoa Đông và biển Đông thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy của Australia, cho rằng rất có thể những khám phá khoa học sẽ do quân đội Trung Quốc đảm nhiệm. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết một con tàu chở khách mới đã bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến quần đảo Hoàng Sa  do Trung Quốc chiếm của Việt Nam.

Theo tờ South China Morning Post, các quan chức cũng đang có kế hoạch đưa trái phép các chuyến bay du lịch tới quần đảo Hoàng Sa. Kế hoạch này hiện đang chờ các bộ của chính phủ và quân đội Trung Quốc chấp thuận.

Cũng theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều đảo nhân tạo bất hợp pháp ở biển Đông với ngân sách quốc phòng cao nhất từ trước đến nay. Lưu Hiểu Giang - Đô đốc, cựu Chính ủy Hải quân Trung Quốc nói với các phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội nước này rằng hải quân Trung Quốc sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các quyết sách ngày càng leo thang trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp, vô lý ở biển Đông. Tờ South China Morning Post đánh giá, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở biển Đông là bất hợp pháp.


HUY QUỐC (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục