Chiều 10-7, Bộ GD-ĐT đã họp báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 khẳng định: kỳ thi đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
* Hướng tới 1 kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi nhất là thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy đã có hiệu quả rõ rệt, giảm số lượng thí sinh ảo trong quá trình tổ chức thi. Công tác tuyên truyền sâu rộng, định hướng tốt nên giảm được hồ sơ ảo; đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình, có sự phân loại thí sinh, được bảo mật tuyệt đối.
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên có 62 trường tuyển sinh riêng, đã có kết quả tích cực; nhiều ngành tuyển sinh riêng hút thí sinh. Ví dụ 1 ngành ở ĐH Đà Nẵng tuyển 25 chỉ tiêu nhưng có tới 500 hồ sơ đăng ký.
“Từ kết quả ban đầu này, bộ đang xây dựng đề án tiến tới 1 kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích: công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đề án sẽ được lấy ý kiến dư luận trong thời gian tới. Hình hài đổi mới thi cử, tuyển sinh đã rõ rét hơn, cho phép có thể rút ngắn lộ trình tự chủ tuyển sinh hoàn toàn, có thể trước năm 2017 như đã định trước”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Sau này, chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ.
* 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật
Kỳ thi đại học (ĐH) năm nay, toàn quốc có 141 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 141 trường tổ chức thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cả 2 đợt là 1.529.435; số thí sinh đến dự thi là 1.190.546, đạt tỷ lệ 77,84% - tăng 0,24% so với năm 2013 (77,60%). Trong 2 đợt thi, các trường ĐH đã huy động 156.293 lượt cán bộ tham gia làm công tác thi.
Trong cả 2 đợt thi ĐH năm nay cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó: khiển trách 50, cảnh cáo 5, đình chỉ thi 171, đến muộn không được dự thi 14 (trong cả 2 đợt thi ĐH năm 2013, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật). Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay số thí sinh bị kỷ luật, bị đình chỉ giảm hơn nhưng vẫn là điều đáng tiếc.
* Đề thi có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh
Về đề thi, Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi ĐH của cả 2 đợt thi được bảo mật an toàn tuyệt đối. Theo báo cáo của hội đồng tuyển sinh các trường ĐH và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi ĐH của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh. Đề thi đã ra theo hướng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để xử lý những vấn đề thực tiễn, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Anh văn được đánh giá cao ở chỗ lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ...
Tuy nhiên, ghi nhận từ nhiều thí sinh cho thấy, nhiều em phàn nàn về sự phân hóa chưa thực sự hợp lý của đề thi, vì có nhiều câu rất dễ, nhiều câu lại quá khó. Vì thế đề thi chỉ phân loại được học sinh trung bình và học sinh giỏi, những thí sinh có học lực khá, chăm chỉ sẽ bị thiệt thòi do bị đánh đồng với học sinh trung bình.
PHAN THẢO
* Nghi vấn lộ đề thi môn Địa lý?
Dù thời gian làm bài thi sáng 9-7 chỉ vừa diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng đề thi môn Địa lý (bản chính thức) đã được đưa lên mạng. Nhiều phụ huynh sau khi so sánh với đề thi của thí sinh vào cuối giờ thi đã nghi ngờ về việc lộ đề.
Đề thi môn Địa lý (khối C) theo hình thức tự luận, có tổng thời gian làm bài 180 phút (từ 7 giờ 15 đến 10 giờ 15). Theo quy định, phải hết 2/3 tổng thời gian làm bài thí sinh mới được ra khỏi phòng thi và chỉ khi hết thời gian làm bài, thí sinh mới được mang đề ra khỏi khu vực thi. Chiếu theo quy định đó, thí sinh được ra khỏi phòng thi lúc 9 giờ 15 và được mang đề ra khỏi phòng thi lúc 10 giờ 15.
Thế nhưng, PV ghi nhận, đề thi môn Địa lý đã xuất hiện trên một số trang báo điện tử sớm nhất vào lúc 8 giờ 36. Sau khi so sánh với đề thi của thí sinh sau giờ làm bài, cả hai đề thi đều trùng khớp nội dung. Đây là điều bất thường. Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Hà Hữu Phúc, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT, cho biết sự cố này xảy ra khi đã bóc đề thi nên không thể gọi là lộ đề từ trước và có thể hiểu là rò rỉ đề thi trong thời gian làm bài. Bộ GD-ĐT ghi nhận ý kiến và sẽ kiểm tra cụ thể.