Ảnh hưởng điện trường từ lưới điện

Có thực sự nguy hiểm?

Thời gian qua nhiều người dân đã khiếu nại với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc nhiễm điện do ảnh hưởng từ các đường truyền tải điện. Vấn đề này đã khiến tuần qua, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, đồng thời tìm biện pháp khắc phục tình trạng trên.

Có đường dây là có... “kiện”!

Đây là một trong những lý do khiến thời gian qua nhiều người dân đã lên tiếng khiếu nại với EVN. Điển hình là công văn của UBND xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam nêu các hiện tượng nhiễm điện, tê người khi lao động, sinh hoạt dưới đường dây 500kV Pleiku-Dốc Sỏi-Đà Nẵng. Đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đoàn, ông Lê Hiệp, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên về hiện tượng nhiễm điện do nhà ở gần đường dây 500kV mạch II.

Ngoài ra, hàng loạt phản ánh về các hiện tượng nhiễm điện do ảnh hưởng từ đường dây 500kV mạch I, mạch II tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, hay hiện tượng ảnh hưởng từ đường dây 220kV Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Lãnh đạo EVN cho biết, trước tình hình này, EVN đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành tiến hành khảo sát, kiểm tra cường độ điện trường ở các hộ gia đình, cũng như các địa phương có hiện tượng trên. Qua các đợt kiểm tra, kết luận cho thấy, tại các địa điểm đo, điện trường đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tại Tam Thái, Phú Ninh, Quảng Nam do các hộ dân có nhà mặt trước hướng về đường dây với độ cao 11-13m (trong khi quy định với đường đây 500kV là cách 14m), phía trước lại không có cây cối, nên mặc dù cường độ điện trường trong nhà thấp nhưng khi đi ra ngoài hoặc đi lại dưới hành lang lưới điện, vẫn có cảm giác bị nhiễm điện.

Còn ở 28 hộ dân thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên, kết quả kiểm tra cho thấy giá trị cường độ điện trường đều ở mức cho phép, phù hợp với tiên chuẩn quốc tế.

“Tê tê” cũng không sao?

Tuy nhiên, EVN thừa nhận hiện tượng cảm ứng điện từ (các hộ này dùng bút thử điện chạm vào một số vật dụng thấy phát sáng) hay người dân quen gọi là “nhiễm điện” là có thật. Nhưng giá trị cường độ của các dòng điện này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì kết quả đo đạc cho thấy, dòng điện này thực tế rất nhỏ, chỉ vài µA, mà theo tiêu chuẩn quốc tế thì giá trị an toàn của dòng điện cảm giác là 500µA.

Trong khi đó, bút thử điện dùng cho thợ điện thì chỉ cần dòng điện cỡ 100µA cũng đủ làm đèn sáng. Hay với bút thử điện thông mạch, do độ nhạy cao, chỉ cần 1 dòng điện rất nhỏ qua bút cũng làm bóng đèn diot của bút phát sáng.

Tuy nhiên tại cuộc hội thảo nói trên, một số chuyên gia, trong đó có chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng, việc nhiễm điện trường như trên kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, tâm sinh lý. Cũng có một thực tế là, hiện nhiều cung đoạn của các đường dây này còn đi qua các vùng dân cư sinh sống và canh tác thâm canh.

Vì thế, theo KS. Đặng Hữu Ngọ, Trưởng ban Kỹ thuật an toàn EVN: “Dù trong quá trình thi công, các tuyến đường dây đã đảm bảo về khoảng cách hành lang an toàn theo tiêu chuẩn cho phép nhưng cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đặc biệt là tuyến đường dây 500kV mạch I, mạch II, tuyến đường dây 200kV Tuyên Quang - Thái Nguyên”.

Trước những khiếu nại của người dân, ông Ngọ cho rằng, hiện tượng tĩnh điện, cũng như hiện tượng cảm ứng điện từ là điều luôn tồn tại ở các đường dây cao áp.

Song, để tránh hiện tượng ồn nhiễu, tê giật như phản ánh của một số người dân trong hành lang lưới điện, TS. Đinh Hạnh Thương, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho rằng, EVN nên tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời nhà ở, công trình nằm kẹp giữa đường dây cao áp. Đồng thời, lập đường dây “nóng” để thông tin, hướng dẫn và giải quyết những khúc mắc về an toàn lưới điện.

Theo Thống kê của EVN, hiện có 187.206 nhà, công trình trong hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó có 37.399 nhà, công trình không đủ điều kiện tồn tại. Hiện nay, tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp có xu hướng gia tăng do nhiều người dân tự cơi nới, cải tạo nhà xây dựng vượt qua giới hạn cho phép.

TIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục