Còn bất đồng trong thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách

Còn bất đồng trong thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách

 (SGGPO).- Liên quan đến những nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) còn có quan điểm khác nhau. Một trong những vấn đề này là thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.

Còn bất đồng trong thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp UBTVQH về tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ưu tiên số một là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước. Tiếp theo là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31- 12 - 2014 nhưng còn thiếu vốn, các dự án của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Cuối cùng là các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.

Trong khi đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, thứ tự ưu tiên bố trí vốn trong Tờ trình của Chính phủ chưa thật hợp lý, do đó, đề nghị sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên như sau:

Ưu tiên xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện Luật Đầu tư công và Luật NSNN đòi hỏi phải xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên này việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng – an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Vì đây là những nguồn vốn đối ứng có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp đến là ưu tiên bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí. Cuối cùng là ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.

Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, bên cạnh những kết quả và những mặt được, trong quá trình thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương được xây dựng trên nguyên tắc ổn định tỷ lệ điều tiết nguồn thu ngân sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, tạo thêm nguồn thu. Tuy nhiên, hiện tồn tại sự chênh lệch lớn về điều kiện phát triển giữa các vùng miền. Ở các tỉnh nghèo, kinh tế phát triển chậm, nguồn thu tăng rất ít trong thời kỳ ổn định… dẫn đến vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương tăng không đáng kể, thậm chí không tăng so với năm đầu thời kỳ ổn định. Ngược lại, ở các tỉnh, thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện phát triển, nguồn thu tăng nhanh và do đó, tổng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương cũng tăng rất cao, có nơi tăng trên 2 lần so với năm đầu của thời kỳ ổn định. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải bổ sung thêm các giải pháp để khắc phục hạn chế này.

Bên cạnh đó, số lượng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 nhiều, mục tiêu của các chương trình lại quá rộng, nhiều chương trình trùng lắp, vượt quá khả năng cân đối vốn. Danh mục dự án nhiều, nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng phân bổ vốn theo cơ chế chia điểm chưa hợp lý. Không tập trung đầu tư các dự án lớn, có tính chất liên vùng, công trình gắn kết. Hầu hết các chương trình đều có yêu cầu các địa phương phải bố trí một tỷ lệ vốn đối ứng nhất định từ ngân sách địa phương, trong khi cân đối ngân sách ở hầu hết các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn rất khó khăn. Ở một số địa phương vẫn chưa khắc phục được tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương phê duyệt quá nhiều dự án hoặc điều chỉnh tăng quy mô vốn của dự án trong danh mục được hỗ trợ, không tính đến khả năng cân đối vốn, làm kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả…

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục