Gia công phần mềm

Còn đó những bài toán nan giải

Việt Nam đã chứng minh được rằng có thể làm được những sản phẩm phần mềm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp quốc tế. Vị trí của Việt Nam đến nay đã được đánh giá là tiềm năng rất lớn. Tuy không thể bằng được các quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam có lợi thế hơn về giá thành và chi phí nhân công thấp. Để phần mềm Việt Nam vươn lên tương xứng với giá trị thật của mình các đơn vị chức năng và doanh nghiệp cùng nhau đặt ra những hướng đi cụ thể.
Còn đó những bài toán nan giải

Việt Nam đã chứng minh được rằng có thể làm được những sản phẩm phần mềm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp quốc tế. Vị trí của Việt Nam đến nay đã được đánh giá là tiềm năng rất lớn. Tuy không thể bằng được các quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam có lợi thế hơn về giá thành và chi phí nhân công thấp. Để phần mềm Việt Nam vươn lên tương xứng với giá trị thật của mình các đơn vị chức năng và doanh nghiệp cùng nhau đặt ra những hướng đi cụ thể.

Còn đó những bài toán nan giải ảnh 1

Lập trình viên thiết kế phần mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: C.TH.

Theo những con số mà các đơn vị kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin như FCG Vietnam (PSV), TMA, Global Cybersoft cho biết thì hầu như tình hình gia công phần mềm của Việt Nam đang đứng ở mức yếu và thiếu. Cụ thể những yếu kém đó là nguồn nhân lực, công nghệ mới, cách quản lý và tài chính.

Đã có rất nhiều ý kiến hướng đến việc hình thành một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này được chính từ phía các doanh nghiệp đưa ra trong đó tập trung nhấn mạnh vào hai điểm lớn. Đó là sự hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng và quản bá thương hiệu cho phần mềm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mô hình cho việc hỗ trợ này là các chương trình cụ thể hoặc xây dựng nguồn quỹ, nhưng quỹ này sẽ không tồn tại dưới dạng “cấp không” mà là sự cho vay theo một chính sách ưu đãi đối với cá nhân hay doanh nghiệp.

Nhưng đến nay, các doanh nghiệp cho rằng nhà nước mới chỉ dừng lại ở mức độ ra chính sách chứ chưa có hành động nào cụ thể. Thậm chí khi đã có những chính sách ưu đãi về mặt bằng, đất đai thì lại quá lỏng lẻo ở khâu kiểm soát đầu tư, dẫn tới việc một số doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở này để kinh doanh bất động sản hay ngang nhiên chuyển nhượng mặt bằng cho các công ty khác thuê cùng hàng loạt các vấn đề tiêu cực khác.

Tuy nhiên sẽ không thể có lời giải xác đáng cho bài toán hóc búa này nếu chỉ nói đến những hạn chế của nhà nước ở chính sách và khâu quản lý mà không nhìn lại thực trạng của các doanh nghiệp. Qua kết quả thăm dò cho thấy hiện nay chỉ có FPT là công ty duy nhất đạt đến con số 1500 lập trình viên, còn lại số các công ty đạt hơn 500 lập trình viên thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa nói đến tình trạng lúc có lúc không đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty TMA, nói về những yếu kém của các doanh nghiệp gia công phần mềm vấp phải là không tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm của mình mà hầu như chỉ lựa chọn những công nghệ và lĩnh vực phổ biến mà ai cũng làm được. Vấn đề thứ 2 là thiếu khả năng đầu tư hoặc đầu tư không đúng trong việc tiếp thị nên dẫn đến tình trạng không tạo được quan hệ với những khách hàng lớn, không có được đơn đặt hàng thường xuyên mà chỉ là những hợp đồng “nhỏ giọt” do đó khó có khả năng tồn tại lâu dài.

Ông Nguyễn Bách Khoa, Giám đốc Công ty Liên doanh UK Brain, một đơn vị chuyên đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản cho biết, các chuyên gia CNTT Nhật Bản đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Về công nghệ và nhân lực, Việt Nam đã phần nào bắt kịp được với thị trường thế giới. Nhưng, Việt Nam có một điểm mạnh là giá thành sản phẩm và chi phí nhân công thấp. Mà những năm tới nếu phát huy được, thì thị trường CNTT Việt Nam sẽ là một đối trọng lớn của các nước xuất khẩu phần mềm lớn hiện nay trên thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc…

Nói về vấn đề quảng bá thương hiệu, thạc sĩ Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC)  khẳng định “cho đến nay, tình hình quảng bá thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế là rất yếu”.  Theo ông Dũng, công việc khó khăn này đòi hỏi sự hỗ trợ đặc biệt của nhà nước. Tuy nhiên cũng phải có sự nỗ lực của các doanh nghiệp vì có những mặt như chất lượng sản phẩm, công nghệ thì nhà nước không thể làm thay cho họ được. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được tất cả các loại thị trường, vì vậy mỗi đơn vị phải tự lựa chọn môi trường thế nào cho phù hợp với điểm mạnh của mình. Chính nhờ những điểm điểm mạnh đó cộng với việc biết nắm bắt cơ hội sẽ tạo đà phát triển bền vững, ổn định cho doanh nghiệp.

“Mặt khác, doanh nghiệp cần phải tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm vào các tổ chức hiệp hội ngành nghề, tức là phải tập trung quảng bá cho hình ảnh chung từ cái riêng của mình. Chính những hiệp hội tin học mạnh sẽ tạo nên một nền công nghiệp tin học mạnh. Qua đó sẽ hình thành những đối tác và các doanh nghiệp tin học mạnh không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Vì vậy, vào WTO là cơ hội để doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có dịp cọ xát, tự khẳng định mình lớn mạnh đến đâu”, ông Chu Tiến Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp phần mềm không đánh giá được đúng khả năng về thị trường. Đồng thời, những chính sách định hướng cụ thể để phát triển vẫn chưa có nên không tập hợp các doanh nghiệp thành một khối.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục