Đầu tháng 7, phim Vị (Tasta) (của đạo diễn Lê Bảo) được nhà xuất xuất gửi đến Cục Điện ảnh để thẩm định và xin giấy phép phổ biến. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cùng đại diện một số cơ quan, chuyên gia thẩm định thì quyết định cấm phổ biến bộ phim dưới bất kỳ hình thức nào đã được đưa ra. Trường hợp của Vị một lần nữa cho thấy việc thổi phồng, tô đen, bi kịch hóa câu chuyện… khiến người xem có những cảm nhận sai lệch, méo mó, không phải là con đường phát triển của nghệ thuật chân chính.
Cục Điện ảnh cho rằng, Vị không phù hợp với văn hóa Việt Nam, trong thời lượng 97 phút thì có đến khoảng 30 phút mô tả cảnh sống bầy đàn, sinh hoạt tập thể. Trường đoạn nude, nhiều cảnh quay trực diện không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng như văn hóa Á Đông. Việc từ chối cho phép phổ biến, theo Luật Điện ảnh cũng có nghĩa là Vị sẽ không có cơ hội tham dự bất cứ một liên hoan phim nào.
Quyết định của Cục Điện ảnh ban đầu cũng khiến nhiều người bất ngờ bởi lẽ trước đó Vị dù chưa xin phép nhưng đã tham dự Liên hoan phim (LHP) Berlin 2021 và được trao giải ở hạng mục “Encounters” nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập, hỗ trợ quan điểm mới trong điện ảnh. Những người yêu và theo dõi điện ảnh đều hiểu rất rõ việc đoạt giải LHP quốc tế không đồng nghĩa với chất lượng, nội dung của tác phẩm, mà đôi lúc do phim thỏa mãn các tiêu chí mà liên hoan đó đặt ra. Việc được giải ở một hạng mục LHP quốc tế không có nghĩa là Vị đáp ứng đủ tiêu chí luật định để được công chiếu tại Việt Nam. Chưa kể, việc nhà sản xuất tự ý đưa tác phẩm đi tham dự LHP Berlin 2021 khi chưa có giấy phép phổ biến phim, đồng nghĩa Vị đã nhân đôi sai phạm khi đưa những hình ảnh dung tục, phản cảm và có phần sai lệch về văn hóa, cuộc sống và con người Việt Nam ra quốc tế.
Mỗi sáng tạo nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân mà còn cần hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ, giúp con người ngày càng hoàn thiện hơn. Nhất là thời điểm này, khi cuộc sống phải đối mặt với quá nhiều thách thức, quá nhiều những bất trắc, âu lo vì dịch bệnh thì lại càng cần hơn nữa những tác phẩm cho con người, vì phẩm giá con người, bảo vệ cái cao cả, cái tốt đẹp của cuộc đời…
Thực tế, trước Vị là phim Ròm (của đạo diễn Trần Thanh Huy) với giải thưởng New Currents tại LHP Busan 2019 và phim Vợ Ba của đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh cũng đoạt nhiều giải thưởng tại một số LHP quốc tế… Song khi công chiếu, thậm chí ê kíp sản xuất Vợ Ba còn phải tự rút khỏi rạp chỉ vài ngày sau khi phát hành vì dư luận phản ứng dữ dội khi phát hiện ê kíp làm phim để diễn viên 13 tuổi đóng một số cảnh nhạy cảm.
Cũng từ câu chuyện “vượt rào” tham dự các hội chợ, LHP quốc tế, có thể thấy hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng. Điều ấy cũng dễ hiểu bởi nếu chỉ áp dụng biện pháp phạt hành chính khi phát hiện ra sai phạm thì chế tài đó chưa đủ sức răn đe, chưa đủ mạnh để làm gương. Do vậy, đã có ý kiến đề xuất cần phải có ràng buộc trách nhiệm với nhà sản xuất, phát hành và các thành phần sáng tạo khác, thậm chí có ý kiến quyết liệt hơn khi đề xuất thực thi các hình thức phạt bổ sung như cấm hành nghề có thời hạn như đối với nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật…
Chế tài mạnh và nghiêm khắc, thậm chí rất nghiêm khắc cũng có thể sẽ được đưa ra nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm luật pháp, song có lẽ người làm nghệ thuật chân chính cũng thấu hiểu hơn ai hết hình phạt lớn nhất có lẽ chính là việc đứa con tinh thần bị công chúng chối bỏ. Phim có thể mang tính phản biện xã hội, nói lên những góc khuất của xã hội, nhưng quan trọng phải mang thông điệp nhân văn, tình yêu cuộc sống. Thổi phồng, tô đen... có thể chỉ đem tới sự hấp dẫn, hiếu kỳ cho một số người, một nhóm người, nhưng đó mãi không phải là con đường làm nghệ thuật chân chính.