
Trước xu thế Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, hội nhập với thế giới, công tác xuất nhập khẩu sách báo đã và đang có những chuyển động tích cực. Qua sách báo, hình ảnh Việt Nam và công cuộc đổi mới của đất nước đã được giới thiệu ngày càng sâu rộng với bạn bè quốc tế...
- Xuất khẩu sách báo - Nỗ lực mở rộng thị phần

Trung tâm Sách ngoại văn (Hà Nội) thu hút nhiều bạn đọc.
Nhiều năm nay, Nhà nước chủ trương hỗ trợ, tài trợ cước phí vận chuyển. Từ đó, chủng loại, số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng, thời gian đưa sách báo đến với bạn đọc được rút ngắn. Giá sách báo Việt Nam phát hành ở nước ngoài giảm đáng kể, tạo điều kiện cho nhiều người Việt tiếp cận với sách báo trong nước.
Thư viện các nước tăng lượng nhập sách báo Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thăm dò, tìm kiếm mở rộng thị phần sách Việt Nam. Một số doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, cung cấp sách tới khách hàng mua lẻ, các gia đình kiều bào.. Bên cạnh một số ấn phẩm phục vụ nghiên cứu, các loại sách báo, tạp chí có tính chất giải trí cũng đến với bà con. Sách kiến thức, văn học Việt Nam được bạn đọc đặt mua ngày càng nhiều.
Các mảng sách: Thiếu nhi, Tự điển, sách học tiếng Việt... góp phần giúp nhiều thế hệ người Việt ở nước ngoài quan tâm đến đất nước, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt, giúp bà con hiểu đúng tình hình đổi mới của đất nước.Về chất lượng, sách báo Việt Nam phong phú về chủng loại, kỹ thuật in, chất lượng giấy được nâng cao, hình thức trình bày đẹp, đáp ứng được nội dung cũng như nhu cầu thẩm mỹ và sử dụng của người nước ngoài và cộng đồng người Việt ở các nước.
- Nhập khẩu sách báo - Sôi động, nhưng...
Nhà nước tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trực tiếp và các đơn vị PHS có chức năng xuất nhập khẩu sách báo thông qua ủy thác làm cho thị trường sách báo Việt Nam sôi động, lượng sách nhập phục vụ bạn đọc đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhiều loại đối tượng. Nguồn sách báo nhập chủ yếu từ Anh, Pháp, Trung Quốc, CH LB Nga, Hàn Quốc, Đức và một số nước Đông Âu, Bắc Âu. Sách báo nhập khẩu thuộc nhiều chủng loại. Ngoài các loại sách học ngữ thu hút số lượng lớn bạn đọc, các loại sách KHKT, khoa học đời sống... cập nhật thông tin, còn có nhiều loại sách: văn học nghệ thuật, thiếu nhi và các lĩnh vực: thời trang, mỹ phẩm, làm vườn, trồng hoa, cây cảnh...
- Những điều còn lại
Có nhiều nỗ lực, nhưng trước sự phát triển của thị trường sách quốc tế, sách báo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, số lượng đầu sách báo xuất khẩu ít, do đó nguồn khai thác để tuyên truyền quảng cáo, tiếp thị hạn chế và khó khăn. Mặt khác, số sách báo Việt Nam xuất bản bằng tiếng nước ngoài còn quá ít, chất lượng dịch thuật yếu, lượng bản sách cho một lần in rất ít nên khó khăn cho việc khai thác, mua dự trữ hoặc xuất khẩu đột xuất. Tuy phong phú nhưng thị trường sách nhập khẩu chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội và TPHCM. Việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ sách nhập khẩu tới các địa bàn khác rất khó khăn.
Về quản lý, do các doanh nghiệp phải chọn và đặt hàng sách báo qua catalog, nên trong thực tế Cục Xuất bản chỉ biết được danh mục, vì vậy việc cấp phép gần như chỉ là... thủ tục. Nên chăng, CXB chỉ cần chấp nhận kế hoạch trên về số lượng, đề tài, tên sách, còn lại nên giao cho thủ trưởng các doanh nghiệp trực tiếp xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm về nội dung các xuất bản phẩm nếu có sai phạm.
Hiện nay, việc nhập khẩu ủy thác làm hạn chế năng lực của các doanh nghiệp. Bộ VH - TT cần tạo điều kiện cho SAVINA và cũng như các doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu trực tiếp. Thủ tục hải quan cũng cần giảm thiểu để sách báo có thể nhanh chóng đến tay người đọc.
Mặc dù được trợ cước, nhưng giá thành xuất bản phẩm của Việt Nam vẫn cao so với mặt bằng giá chung của thị trường quốc tế (sách các nước nhập khẩu vào Việt Nam được chính phủ các nước trợ giá 70%-80%). Nhà nước nên mở rộng diện trợ cước cho tất cả các loại báo, tạp chí của Việt Nam xuất bản bằng tiếng nước ngoài, tăng cường đầu tư cho các loại sách của Việt Nam bằng tiếng Anh.
TRẦN TẤN NGÔ
(Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sách Việt Nam)