Phản hồi bài báo “Gập ghềnh” phần mềm hợp pháp

Con đường nào đến với phần mềm nguồn mở?

Con đường nào đến với phần mềm nguồn mở?
Con đường nào đến với phần mềm nguồn mở? ảnh 1

Thiết kế phần mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Ảnh: C.TH.

Việc mua bản quyền các phần mềm hợp pháp sẽ làm cho chi phí giá thành sản xuất tăng rất cao, ngân sách sẽ phải chi một khoản tiền khổng lồ. Con đường tiết kiệm nhất chính là sử dụng các phần mềm mở, nhưng thực tế không dễ dàng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM.

- Phóng viên: Số trường hợp sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam hiện bị đánh giá là rất cao. Trong lộ trình tiến tới mua bản quyền hợp pháp đòi hỏi chi phí lớn, theo ông nên chọn con đường nào?

Ông HOÀNG LÊ MINH: Do thời gian qua việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp đã thành một thói quen, nên khi phải mua, đưa vào chi phí giá thành sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp sẽ ngỡ ngàng. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là điều bắt buộc phải chấp hành. Một số doanh nghiệp buộc phải mua các bản quyền phần mềm khá ổn định và có tiếng trên thế giới hiện nay để sử dụng, nhất là đối với một số ngân hàng. Một số cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phải mua và có kinh phí để mua như Bộ Tài chính…

Tuy nhiên, chi phí mua bản quyền, như đã tính toán, sẽ rất lớn. Chỉ một phần mềm giải pháp, người sử dụng sẽ phải mua rất nhiều phần mềm thương mại khác mới có thể sử dụng được phần mềm giải pháp của mình. Trong khi đó, nếu sử dụng phần mềm nguồn mở sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều. Trước hết, các chi phí phần mềm hệ điều hành thường là phần mềm miễn phí, có thể tải trên Internet về sử dụng. Các phần mềm giải pháp phát triển trên nền của hệ điều hành này, người sử dụng có thể tự phát triển và hoàn thiện, chi phí sẽ thấp hơn mua các phần mềm thương mại. Còn nếu mua phần mềm thương mại, khi những phiên bản mới ra đời người sử dụng buộc phải tiếp tục mua để nâng cấp.

Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm thương mại sẽ dễ dàng và an toàn hơn, khiến nhiều người cảm thấy yên tâm hơn so với phần mềm nguồn mở.

Theo tôi, thực ra chỉ là do sức ỳ của thói quen khiến người ta ngại sử dụng phần mềm nguồn mở. Cứ so sánh việc sử dụng điện thoại đi động, trên mỗi loại điện thoại có sử dụng một hệ điều hành khác nhau. Thế nhưng, người tiêu dùng hầu như không mấy khó khăn khi chuyển từ loại này sang loại khác vì các chức năng bàn phím như nhau, chỉ sau một vài ngày là họ quen với hệ điều hành mới, tức là sử dụng thành thạo loại điện thoại mới. Tất nhiên, việc sử dụng phần mềm nguồn mở cũng có những khó khăn riêng, nhưng bài toán chi phí sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tính toán.

Nếu có điều kiện làm quen với những hệ điều hành khác, ví dụ như GNU/Linux chẳng hạn, người ta sẽ thấy chẳng mấy khó khăn. Trước đây vài năm, phần mềm này còn chưa được hoàn hảo, nhưng đến nay sử dụng khá tốt. Sử dụng phần mềm nguồn mở này sẽ có nhiều ưu thế như phát triển nhiều giải pháp trọn gói trên cơ sở nền là hệ điều hành có chi phí thấp, do đó chi phí giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn. Phần mềm nguồn mở có tính bảo mật cao; giảm sự trùng lặp về nguồn lực nhờ quá trình xây dựng một phần mềm đạt tới qui mô đại chúng và liên kết hàng ngàn nhà lập trình trên toàn thế giới; tiếp thu và kế thừa nhờ có sẵn mã nguồn mở để xây dựng tiếp lên và giảm thời gian xây dựng đáng kể; quản lý chất lượng tốt hơn và giảm chi phí duy trì… Nếu chúng ta sử dụng các phần mềm nguồn mở sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, góp phần giúp cho các doanh nghiệp sản xuất phần mềm trong nước có điều kiện phát triển.

- Nhưng để làm điều này chúng ta cần có lộ trình cụ thể?

Đúng vậy, trước hết cần có sự thay đổi tư duy về nhu cầu sử dụng phần mềm nguồn mở có giá rẻ. Để làm điều này, công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Đầu tiên, tại các trường dạy về CNTT nên dạy học sinh ngay từ nhỏ phải có thói quen tôn trọng luật pháp, thực hiện sử dụng phần mềm có bản quyền. Theo tôi nên dạy các em làm quen với môi trường phần mềm nguồn mở để sau này trong ý thức, nếu đi theo chuyên ngành thì các em có thể xây dựng các phần mềm giải pháp trên nền phần mềm nguồn mở chứ không bị phụ thuộc vào một số phần mềm như hiện nay.

Các cơ quan quản lý nhà nước nên đăng ký lộ trình thực hiện việc sử dụng phần mềm nguồn mở, coi đây là một hành động thi đua yêu nước. Với từng cá nhân cũng đăng ký với cơ quan thời gian chuyển đổi làm quen với hệ điều hành là phần mềm mở để giúp cơ quan tiết kiệm chi phí.

THIÊN LỘC thực hiện

Theo tài liệu UNDP, chương trình phần mềm nguồn mở là những chương trình mà quy trình cấp phép sẽ cho người tiêu dùng quyền tự do chạy chương trình theo bất kỳ mục đích nào, quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, quyền sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi mà không phải trả bản tiền bản quyền cho những người lập trình trước.

Những người lập trình đầu tiên chỉ đưa ra với công chúng một số mã chức năng tối thiểu, rồi chỉnh sửa dần trên cơ sở các ý kiến phản hồi. Các nhà lập trình khác thay đổi hoặc xây dựng thêm trên cơ sở mã nguồn có sẵn, cứ thế theo thời gian, cả một hệ điều hành hay bộ ứng dụng sẽ định hình và không ngừng phát triển. 

Tin cùng chuyên mục