Kỳ vọng lãi khủng
Ông Hoàng Văn Kiệm (56 tuổi; thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, ngoài việc trồng rừng, chăn nuôi gà, vịt, trâu bò, heo thịt…, năm nay trang trại rộng hơn 12ha của gia đình còn mạnh dạn đầu tư vốn phát triển thêm mô hình chăn nuôi đàn heo rừng lai tạo. Hiện 70 con heo rừng nuôi thả tự nhiên được gần 1 năm tuổi, trọng lượng khoảng 30kg/con, được tư thương đặt mua giá 130.000 đồng/kg heo hơi để phục vụ người tiêu dùng dịp tết. Cũng đầu tư hiệu quả là hộ ông Phạm Quang Hùng (56 tuổi, ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê). Thương lái đã đặt cọc thu mua hết gần 100 con heo rừng lai F1 cùng gần 30 tấn cam chanh, cam bù và lộc nhung hươu. “Dự kiến mùa vụ Tết Kỷ Hợi nay, trang trại của gia đình tôi sẽ thu lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây là động lực quan trọng để gia đình tiếp tục đầu tư việc nuôi trồng những loài con hiếm, cây lạ phục vụ thị trường”, ông Hùng phấn khởi nói.
Ảnh: DƯƠNG QUANG
Tiểu Quỳnh ghép vào cây thanh long
Một số nông dân trẻ ở miền Trung còn chọn những nông sản “độc, lạ” cho vào chậu làm bonsai kiểng cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Hữu Tiến Đạt (thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã ghép thành công cây Tiểu Quỳnh vào thân cây thanh long, trở thành loại cây cảnh mới phục vụ thị trường tết đến, xuân về. Anh Đạt cho biết: “Tiểu Quỳnh cùng họ với cây thanh long, dân gian gọi là lan càng cua, loại cây cảnh được nhiều người chọn để chưng tết, hoa nở có sắc hồng, đỏ rất đẹp”. Anh Đạt biết đến hoa Tiểu Quỳnh trồng nhiều tại Đà Lạt, nhưng việc ghép vào cây thanh long thì rất hiếm. Sau 2 năm tìm hiểu, anh Đạt đã ghép thành công loại cây cảnh này và quyết định nhân rộng mô hình, bán cho những người yêu thích về làm cảnh. “Cây thanh long sau khi mang về trồng trên chậu đất cho cây sống và phát triển bình thường, sau đó cắt vết trên thân cây khoảng 3cm, tiến hành ghép nhánh Tiểu Quỳnh… Các vết cắt và ghép nhanh chóng liền vào nhau, sau 20 - 30 ngày thì thân thanh long đã ổn định”, anh Đạt chia sẻ, đồng thời cho biết thêm hoa tiểu quỳnh bắt đầu nở từ tháng 11 âm lịch kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau, do vậy, người chơi hoa có thể trưng vào đúng dịp tết. Giá anh Đạt bán ra trung bình 50.000 - 60.000 đồng/chậu, chậu lớn giá 700.000 - 800.000 đồng/chậu. Mỗi năm, anh Đạt bán ra khoảng 500 chậu.
Cách TP Huế 70km về phía Tây, huyện A Lưới trở nên “thơ mộng” hơn khi một số hộ dân ở đây nhân rộng mô hình trồng hoa tulip và lily. Mô hình do Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ giống và kỹ thuật để phục thị trường Tết Kỷ Hợi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết sau khi học tập và nhiều lần tham quan thực tế các mô hình nông nghiệp sạch ở các địa phương, lãnh đạo huyện nhận thấy hoa lily và tulip có khả năng thích nghi tốt với khí hậu A Lưới nên tiến hành trồng thử nghiệm, kết quả khả quan. “Hiện trên địa bàn thị trấn A Lưới và xã Sơn Thủy có hơn 20 hộ dân tham gia trồng hoa lily và tulip với số lượng hơn 15.000 củ, với tỷ lệ trổ bông đạt trên 90%, cho lợi nhuận bình quân 25.000 đồng/cành lily, còn tulip thì khoảng 100.000 đồng/chậu khoảng 5 cây”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
LÀNG HOA SA ĐÉC ĐƯA BƯỞI DIỄN PHÍA BẮC VỀ PHỤC VỤ TẾT KỶ HỢI Anh Đào Hải Triều, ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, cùng với sản xuất nhiều loại hoa kiểng truyền thống, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này, cơ sở hoa kiểng Bảy Oanh của gia đình anh “đột phá” bằng việc đưa bưởi Diễn từ phía Bắc vào phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân ĐBSCL. Theo đó, cơ sở hoa kiểng Bảy Oanh vừa đưa về làng hoa Sa Đéc 20 cây bưởi Diễn (trồng trong chậu để chơi kiểng tết) và hiện nay đã có khách đến đặt mua 5 cây với giá 5 - 10 triệu đồng/cây, bình quân mỗi cây có từ 20 trái bưởi Diễn trở lên. Hầu hết trái bưởi Diễn sẽ chín ngay dịp Tết Kỷ Hợi nên được nhiều người chuộng mua để chơi tết. Theo anh Triều, trái bưởi Diễn có màu vàng óng, tượng trưng cho sự sung túc, ấm áp, thể hiện mong ước năm mới may mắn. Bưởi Diễn thơm ngon, có công dụng làm đẹp da, chữa trị nhiều loại bệnh. Bưởi Diễn bảo quản được khá lâu, khoảng 3 - 4 tháng mà múi bưởi vẫn thơm ngon, ngọt mát… Từ những ưu điểm đó, nên cơ sở Bảy Oanh là đơn vị đầu tiên ở làng hoa Sa Đéc đưa bưởi Diễn phía Bắc về miền Tây tiêu thụ trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Ngoài 20 cây đầu tiên, hiện nay đã có khách hàng đặt mua thêm 200 cây bưởi Diễn trong những ngày tới. “Để chở bưởi Diễn từ Hà Nội vào Đồng Tháp phải mất hơn 2 ngày cùng các công đoạn chuẩn bị chu đáo: trái bưởi phải quấn băng keo cẩn thận nhằm tránh bị va đập, rụng trái… Mục tiêu của cơ sở là góp phần làm đa dạng các sản phẩm nông sản trong ngày tết, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn các loại trái cây kiểng để chưng tết, làm đẹp thêm nhà cửa…” - anh Triều tâm sự. Trong khi đó, UBND TP Sa Đéc tiết lộ, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, làng hoa Sa Đéc cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu chậu hoa kiểng các loại. Hiện nay, có nhiều thương lái từ Hà Nội, TPHCM, các tỉnh… về đặt mua hoa tết. Riêng cúc mâm xôi có giá 150.000 - 160.000 đồng/cặp, tăng 20.000 đồng/cặp so năm trước; các loại hoa khác cũng tăng giá 15% - 20% so cùng kỳ… NGUYỄN THANH |