Còn kẻ hở trong quản lý kinh tế để tội phạm lợi dụng

Ngày 3-10, tại TPHCM, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an và Viện Kinh tế học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phòng chống tội phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở Việt Nam".
Còn kẻ hở trong quản lý kinh tế để tội phạm lợi dụng

 (SGGPO).- Ngày 3-10, tại TPHCM, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an và Viện Kinh tế học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phòng chống tội phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở Việt Nam".

 Báo cáo đề dẫn khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân nêu:  Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh, chịu tác động đa chiều của nền kinh tế thế giới; trong khi đó các quy phạm, quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội chưa theo kịp. Do đó, trong quản lý kinh tế xuất hiện nhiều lỗ hổng để tội phạm lợi dụng, một số quy phạm về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đã có phần lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

 

Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân - nêu một số bất cập trong quản lý và sử dụng lao động nước ngoài trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở các tỉnh phía Nam. Theo thống kê, lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp FDI ở các tỉnh phía Nam đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó gần 53% lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bố trí sử dụng người nước ngoài đảm nhận các vị trí quan trọng của doanh nghiệp có liên quan đến các hoạt động quản lý, kê khai thuế để từ đó tìm cách trốn thuế.

Một hiện tượng khá phổ biến trong các doanh nghiệp FDI của Đài Loan, Hàn Quốc là chủ doanh nghiệp sử dụng một số lao động nước ngoài xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm hại đến sức khỏe của người lao động Việt Nam với nhiều hình thức như khám xét thô bạo đối với nữ công nhân, phơi nắng công nhân, mạt sát, quát mắng công nhân... làm cho công nhân bất bình, dẫn đến những cuộc lãn công, đình công tự phát, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Từ thực trạng này, Thiếu tướng Trịnh Văn Thanh đề nghị các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phải kiểm soát được các công ty, nhà thầu thuê lao động; xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp FDI sử dụng lao động bất hợp pháp hoặc đưa người lao động bất hợp pháp vào Việt Nam; UBND các tỉnh phía Nam cần ban hành Quy chế phối hợp công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp FDI cũng như tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh...

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận - nêu thực trạng tình hình lợi dụng chính sách thu hút đầu tư vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chủ đầu tư xin cấp dự án nhưng không có năng lực tài chính thật sự, với mục đích chiếm chỗ để tìm cách sang nhượng kiếm lời, gây ra khiếu kiện, tranh chấp lẫn nhau làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, một vài dự án đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tìm cách liên doanh, liên kết để chiếm đoạt phần vốn góp của phía đối tác, có dấu hiệu lừa đảo, khiếu kiện chây ỳ. Chưa kể nhà đầu tư nhập thiết bị máy móc cũ, lạc hậu, xây dựng nhà máy với phương án, quy trình là chế biến sâu nhưng thực chất là xuất thô để được cấp phép khai thác khoáng sản, đối phó với các quy định của Nhà nước...

Qua đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân đề xuất cần nghiên cứu, làm rõ những hạn chế, sơ hở pháp luật tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan trên lĩnh vực đầu tư để tránh tình trạng đối tượng lợi dụng để lách luật, trục lợi cá nhân, thu lợi bất chính; phát huy tốt vai trò vận động quần chúng trong quá trình xử lý các vụ việc lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để vi phạm pháp luật.

 Những bài tham luận và những ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đánh giá hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế, làm rõ những hiện tượng xã hội tiêu cực, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh tế. Trước đó, phần một của hội thảo đã được tổ chức vào tháng 6-2014 tại Hà Nội.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục