Con khổ mẹ cũng khổ theo

Con gái tôi học một trường tiểu học ở quận trung tâm TPHCM. Từ ngày con gái nhỏ vào lớp 1 rồi bây giờ đã lên lớp 3, vào buổi tối tôi luôn dành thời gian gần con, học cùng con. Thế nhưng, học cùng con, hiểu kỹ chương trình tiếng Việt ở bậc tiểu học, tôi càng thấy con cái thời nay bị hành hạ, bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức chưa phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của các cháu.

Học ở trường cả ngày, tối lại phải ngồi vào bàn học ôn bài cũ, làm bài tập và chuẩn bị bài mới khiến các cháu chẳng còn thời gian nào nghỉ ngơi vui chơi, tự làm những gì mình thích. Còn mẹ tối nào cũng mất ít nhất 2 giờ chỉ dẫn con làm bài tập, chuẩn bị bài mới vì khối lượng kiến thức, khái niệm từ mới quá nhiều.

Thực sự tôi không hiểu nhà trường dạy kiểu gì mà con tôi đã học bán trú 2 buổi một ngày, tối về vẫn phải làm bài tập, chuẩn bị bài mới mất quá nhiều thời gian như vậy. Nhìn con còng lưng ngồi học bài, làm bài tôi thật xót xa! Hỏi cháu “Trên lớp cô giảng bài các con hiểu không?” thì cháu nói lớp con đông lắm và cô dạy nhanh lắm, ít có thời gian giải thích cho bạn nào chưa hiểu kỹ bài. Cô luôn nhắc các con về nhà phải xem lại bài cũ và chuẩn bị bài mới thật kỹ. Và ngày nào, lật cuốn sổ báo bài cũng dày đặc “lời dặn”, làm bao nhiều bài toán, học Anh văn, thực hành mỹ thuật và riêng môn tiếng Việt là mất nhiều thời gian nhất vì phải làm hai phần luyện từ và câu. Đúng như lời dặn của cô, nếu cháu nào không chuẩn bị bài kỹ ở nhà thì đến lớp không hiểu hết nội dung chương trình học và bắt buộc phải đi học thêm ở nhà cô.

Xung quanh môn Tiếng Việt lớp 3, tôi thấy việc trích dẫn nhiều đoạn văn có nội dung không gần gũi với cuộc sống, tính giáo dục không cao, hành văn khó hiểu, sử dụng nhiều từ ngữ địa phương… khiến học trò không thể tự học nếu không có cha mẹ hỗ trợ, giải thích. Ngay cả trò chơi đoán chữ cũng không dễ đối với các em, dù có giải thích dài dòng về ý nghĩa của cụm từ. Cụ thể như ở bài về “Lễ diễu binh”, nếu để con tự chuẩn bị bài thì cháu như rơi vào “rừng rậm” và không thể hiểu nổi những khái niệm chưa từng biết đến như “diễu binh, lễ đài là gì?”. Sau đó trong ô đoán chữ cũng yêu cầu trẻ đoán hai từ liên quan đến việc biểu dương sức mạnh trên đường phố bắt đầu bằng chữ D (có nghĩa là diễu binh). Thử hỏi một đứa trẻ mới 8 tuổi mà phải làm quen, bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức cao siêu, thiếu gần gũi, không sát với thế giới nhỏ bé xung quanh chúng thì làm sao các em có thể thẩm thấu, tiếp thu và nhớ lâu. Và với sĩ số lớp học đông đến nghẹt thở như thế (56 học sinh) thì làm sao cô có sức vừa dạy vừa  gần gũi, lắng nghe học trò thắc mắc điều gì mà giảng giải.

Dù không cho điểm ở bậc tiểu học nhưng cách dạy, cách học không đổi mới và vẫn nghiêng về nhồi nhét kiến thức, ép học trò phải làm nhiều bài tập, chuẩn bị bài trước khi đi học như nói trên thì áp lực vẫn nặng nề, chẳng thấy gì là giảm tải. Tôi và nhiều phụ huynh cũng từng đi học, nhưng thời xa xưa học chỉ có một buổi rất nhẹ nhàng và về nhà tha hồ chơi đùa, làm những gì mình thích. Còn bây giờ, con cái chúng ta khổ quá! Biết đến bao giờ sự học trở nên nhẹ nhàng, hứng thú với các cháu nhỏ - đang tuổi ăn tuổi chơi? Mong chính quyền TPHCM, ngành giáo dục - đào tạo hãy đi thực tế, hãy hòa mình vào môi trường học đông đúc, nghẹt thở, chỉ học mà chẳng có thời gian vui chơi, rèn luyện thể lực, kỹ năng sống… để thấu hiểu phải làm gì, cải cách kiểu gì cho thiết thực nhất?

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục