Con “nhà” mai nhưng thành công từ bonsai

Con “nhà” mai nhưng thành công từ bonsai

Sinh ra, trưởng thành từ trong nhà nghề trồng cây mai nhưng khi lớn lên, anh Ngô Thanh Quang (sinh 1983, ngụ Thủ Đức) lại bắt tay vào nghề khác hoàn toàn là trồng cây kiểng bonsai. Thời điểm đó, anh Quang được Hội Nông dân quận xem là mô hình thanh niên khởi nghiệp bằng nghề nông, bởi vì hiếm có người mới tuổi đôi mươi đã “làm” nghề nông.

Anh Quang chăm sóc, tỉa cành cho cây bonsai

Theo chàng trai 8x này, cây cảnh bonsai không phải là dễ trồng, dễ nuôi. Lúc đầu phải mua những rễ cây theo dạng củi, cứ “nhắm” rễ có khả năng “phát triển” được là cứ mua. Tuy nhiên, không phải mua được rễ đẹp về là đã “thắng”, nhiều rễ khi mang về thì bị bệnh, rồi chết. Rễ cây được các nhà vườn nhổ lên không còn nằm dưới đất, đã vậy thân, cành bị chặt nên có nguy cơ chết rất nhanh. Mỗi lần mua về đều bị chết hết hơn một nửa. Mua bộ rễ về không khác “người bệnh”, phải theo dõi xem có bệnh tật không rồi nghiên cứu, nuôi dưỡng chăm sóc thật kỹ lưỡng. Nếu mua bộ rễ còn sống, đẹp và ra hình hài bonsai thì giá rất cao, sẽ không có lời.

Vậy mà chàng thanh niên 23 tuổi vẫn liều lĩnh bước vào con đường nghệ thuật trồng cây cảnh bonsai. Dù có kinh nghiệm, sống từ nhỏ với cây mai nhưng những năm đầu, anh Quang liên tục thất bại. Hơn 4 năm sau, vườn bonsai của chàng trai này mới ổn định. Nói đến cơ duyên này, anh Quang chia sẻ: “Khi trưởng thành, tôi mong muốn tạo một sự nghiệp riêng cho mình. Thấy mình có tay nghề chăm sóc cây kiểng nên tôi quyết định chọn trồng bonsai”.

Nhà có sẵn, nhưng anh Quang ra ngoài thuê nhà để tự tìm tòi, thử nghiệm trồng cây. Diện tích đất nhỏ nên anh Quang phải tận dụng tối đa không gian để trồng. Chỗ nhỏ thì để cây nhỏ, chỗ lớn thì đặt cây lớn, ngoài ra còn làm kệ trên cao để đặt cây siêu nhỏ. Trong vườn bonsai của chàng trai 8x này đa phần là cây kim quýt, nguyệt quế, mai chiếu thủy, linh sam… “Thay vì theo học nghệ nhân thì tôi chủ yếu học trên mạng và từ khuôn vườn nhỏ bé của mình, lấy kiến thức từ thực tiễn. Ban đầu phải lấy cây nhỏ bán để kiếm tiền nuôi cây lớn. Bởi những cây nhỏ thường ra thành phẩm từ 6 - 8 tháng, còn với cây lớn, để cho ra bộ rễ có “dáng” đẹp cũng phải mất 2 - 3 năm”, anh Quang cho hay.

Với phương châm “Lời nói tạo thành sản phẩm” chứ không đi theo mô hình cũ lâu năm sẽ tạo thành lối mòn, anh Quang luôn “cập nhập” thông tin từ các nước phát triển. Anh cho biết: “Trước kia, người chơi thường thích cây tứ linh (long, lân, quy phụng), bộ tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu; hay bộ tam gồm sung, lộc vừng, vạn thọ có nghĩa là Phúc - Lộc - Thọ. Giờ đây, thị trường cây cảnh bonsai đang theo phong cách của thế giới, dáng cây để càng tự nhiên và đẹp thì mới dễ bán được”.

Tuy nhiên, nếu cứ để cây phát triển tự nhiên thì chưa đủ mà nghệ nhân cũng phải “canh” bộ rễ, nhánh để vươn “mình” và tỉa lá cho có hình dáng mới đẹp. Không phải cứ mua gốc to là đã đẹp, chủ yếu phải uốn, tạo hình cho ra cây. Ngoài ra, uốn cành đúng thời điểm đang ra những lá non thì càng đẹp hơn. Theo chàng trai 8x này, để cho ra một chậu cây cảnh bonsai dù lớn hay nhỏ thì phải tốn rất nhiều công sức, nhất là phải có đam mê và sáng tạo tinh tế, tao nhã.

Hiện tại, vườn bonsai của anh Quang có diện tích rộng hơn 400m² với khoảng 2.000 cây lớn, nhỏ. Mỗi năm, anh đưa ra thị trường khoảng 500 - 700 cây lớn, chưa tính những cây nhỏ, với giá dao động khoảng 300.000 đồng - 1 triệu đồng/cây. Ngoài ra, anh Quang còn có cửa hàng bán bonsai trên đường Phạm Văn Đồng và nhận chăm sóc cây. Mọi người có nhu cầu nhờ chăm sóc hoặc mua cây thì liên hệ số điện thoại 0906.713.785 để gặp chàng thanh niên này.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục