
Trong các doanh nghiệp xe máy Việt Nam, hiện Tập đoàn T&T là một trong những doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, quy mô lớn. Không chỉ phát triển ở thị trường trong nước, T&T còn đầu tư một nhà máy sản xuất xe máy ở châu Phi.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Đỗ Quang Hiển, Tổng Giám đốc T&T, về tình hình hiện tại, cũng như tương lai phát triển công nghiệp xe máy trong nước.
- Phóng viên: Hoạt động trong lĩnh vực xe gắn máy nhiều năm, quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng nếu không có sự thay đổi, tình hình hiện nay sẽ dễ dẫn đến “dấu chấm hết” cho xe máy nội?

- Ông ĐỖ QUANG HIỂN: Tôi không cho là vậy. Theo tôi, hiện xe máy Việt Nam vẫn là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Bởi lẽ, nước ta có trên 80 triệu dân, trong khi mới có khoảng 14 triệu xe gắn máy, nghĩa là khoảng 7 người mới có 1 xe máy. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, số người có xe gắn máy rất ít. Trong khi đó, ở Đài Loan trung bình cứ 2 người là có 1 xe máy, ở Thái Lan là 4 người 1 xe…
Theo tính toán của giới chuyên môn, thị trường Việt Nam còn cần thêm khoảng 30 triệu xe máy nữa. Hiện mỗi năm công nghiệp xe máy sản xuất được khoảng 2 triệu xe. Như vậy, cơ hội cho ngành xe máy vẫn còn 15 năm nữa. Hơn nữa, xe máy do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá cả rất phù hợp với người dân ở nông thôn có thu nhập chưa cao, chính đây là một lợi thế.
- Nghĩa là xe máy nội vẫn còn nhiều cơ hội?
- Đúng thế! Theo tôi nghĩ không chỉ ở trong nước, mà cơ hội của xe máy Việt còn mở rộng hơn nữa. Chẳng hạn như Tập đoàn T&T, nhiều năm qua không những đang kinh doanh tốt ở Việt Nam, mà còn đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là đã xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy ở Angola (châu Phi). Châu Phi được đánh giá là thị trường rất lớn cho sản phẩm xe máy, nên tôi nghĩ vẫn còn nhiều cơ hội ở đó cho các doanh nghiệp Việt Nam khác.
- Nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, sau một thời gian ngắn trỗi dậy, khoảng 2 năm trở lại đây, sản phẩm xe máy nội tiêu thụ rất kém?
- Xe máy Việt Nam ế ẩm chủ yếu ở thị trường thành phố. Ở các đô thị lớn, đa số người dân có nhu cầu sử dụng xe máy cao cấp, xe tay ga nhập khẩu. Chính vì thế, sức mua ở đây đối với xe máy nội có giảm sút. Nhưng bù lại, ở thị trường nông thôn, tính bình quân thì lượng xe máy nội tiêu thụ hàng năm vẫn không giảm.
- Một trong những nguyên nhân khiến xe máy nội lép vế là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thiếu bài bản, chắp vá, mẫu mã sản phẩm không đa dạng, và dường như vẫn chưa gây dựng được thương hiệu cho riêng mình?

- Đúng là hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp xe máy nội đầu tư thiếu bài bản. Tuy nhiên, cũng có số doanh nghiệp có cái tâm vực dậy, phát triển ngành công nghiệp xe máy trong nước, mong muốn phục vụ nhiều hơn nữa cho người tiêu dùng những dòng xe giá rẻ, chất lượng tốt, nên đã đổi mới tư duy, có bước đầu tư bài bản, chuyển giao dây chuyền công nghệ hiện đại.
Những doanh nghiệp này đã có đầu tư về kiểu dáng mới, có riêng phòng nghiên cứu về vấn đề này. Chất lượng xe cũng được nâng lên rất nhiều, bởi các nhà sản xuất phụ tùng vệ tinh đã phát triển khá mạnh. Trên thực tế, sản phẩm xe máy nội đã và đang khẳng định được mình, đang xây dựng được những thương hiệu Việt mà người tiêu dùng chấp nhận.
- Vậy với Tập đoàn xe máy T&T, cách làm của các ông là như thế nào?
- Để được người tiêu dùng chấp nhận các dòng xe máy điển hình như Majesty, Mikado, Favou…, có thể nói chúng tôi đã rất nỗ lực, tìm mọi cách giảm giá thành, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngay từ năm 2000, chúng tôi đã không ngừng đầu tư lớn cho nhà máy, chuyển giao dây chuyền sản xuất động cơ với công nghệ hiện đại. Từ đó đến nay, T&T tiếp tục đầu tư hoàn thiện công nghệ, đưa ra động cơ đạt chất lượng cao so với khu vực. Bên cạnh đó, chúng tôi đã hợp tác với các nhà sản xuất phụ tùng có sự đầu tư bài bản.
Một phòng nghiên cứu sản phẩm mới của T&T cũng được thành lập để liên tục đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra những mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi đã thiết lập được một mạng lưới tiêu thụ, hậu mãi mang thương hiệu T&T trên toàn quốc. Thương hiệu này đang được chuẩn hóa về mặt thương mại, chất lượng và có tính chuyên nghiệp cao.
- Vậy theo ông, trong thời gian tới, để tiếp tục tồn tại và phát triển được, các doanh nghiệp xe máy Việt Nam cần phải làm gì?
- Theo tôi, nếu muốn tồn tại, sắp tới có rất nhiều việc mà doanh nghiệp xe máy nội cần tiếp tục phải làm. Nhưng điều cơ bản nhất là các doanh nghiệp phải hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm và cuối cùng giá xe phải phù hợp. Hiện nay, trước áp lực hội nhập ngày càng lớn, việc xây dựng thương hiệu cũng là một vấn đề quan trọng. Muốn thành công, cần phải đổi mới cách làm theo hướng chuyên nghiệp hơn.
- Xin cảm ơn ông.
NGÔ NGUYÊN