Còn nhiều đối kháng

KHÁNH MINH

Nga và Trung Quốc ngày 28-2 đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) về việc cấm vận Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad. Đây là lần phủ quyết thứ 7 của Nga về vấn đề Syria tại HĐBA LHQ nhưng là lần đầu diễn ra dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được xem là có chính sách ôn hòa hơn với Nga. Điều đáng ngạc nhiên hơn là việc đưa nghị quyết cấm vận này ra HĐBA LHQ trong bối cảnh đang diễn ra cuộc hòa đàm Syria ở Geneva.

Mặt khác, những tuyên bố không thống nhất của Tổng thống Donald Trump về chính sách của Mỹ tại Trung Đông, trong đó có Syria càng làm cho các phe phái ở Syria phân vân. Chỉ có cam kết của ông Trump là đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và khủng bố nói chung phù hợp với quan điểm của Nga và Chính phủ Syria.

Vai trò ngày càng tăng của Nga tại Syria đã khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Âu sốt ruột hơn cả Washington. Vì vậy, Anh và Pháp đã chủ động đề xuất dự thảo cấm vận Chính phủ Syria thông qua vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc quy kết một bên nào đó trong cuộc chiến năm phe ba phái như ở Syria sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt không phải là điều đơn giản. Chưa kể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng không ngần ngại sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Hơn thế nữa, từ năm 2013, LHQ đã giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. 

Sau phiên bỏ phiếu, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi nhắc lại những lời cảnh báo của Mỹ về  cái gọi là “vũ khí  hủy diệt hàng loạt của Iraq vào năm 2003”, xem đó là một ví dụ về “đạo đức giả” của các cường quốc phương Tây. Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cho rằng, dự thảo nghị quyết cấm vận Syria chỉ căn cứ vào kết luận của một ủy ban điều tra chung của các nước phương Tây (JIM). Theo ông Safrankov, JIM vội vàng kết luận Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học mà không có bằng chứng cụ thể.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng, nếu thông qua nghị quyết cấm vận Chính phủ Syria tại HĐBA LHQ theo đề xuất của các cường quốc phương Tây, điều đó sẽ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva. Theo nhà ngoại giao Nga này, các nước phương Tây không nên lơ là với cuộc chiến chống khủng bố khi cứ tập trung vào việc chống Chính phủ của Tổng thống al-Assad.

Trái với các phát biểu của Tổng thống Donald Trump về quan hệ tốt đẹp với Nga, sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley không tiếc lời lên án Nga là “đặt lợi ích của tình bạn với Tổng thống Syria al-Assad lên trên mối đe dọa an ninh toàn cầu”, rằng bằng việc bỏ phiếu phủ quyết, Nga đã “bỏ mặc phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học từ quân đội của ông al-Assad”.

Báo Washington Post ngày 28-2 cho rằng, khoảng trống trong chính sách của Mỹ đối với Syria từ thời ông Obama đang được đào sâu thêm. Lần đầu tiên trong cuộc hòa đàm mới nhất về Syria ở Geneva hôm 27-2, Mỹ không chủ động trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình ở Syria. Nếu Chính phủ của Tổng thống Syria tiếp tục giành ưu thế tại chiến trường Syria, khả năng nhượng bộ của Nga tại các diễn đàn quốc tế sẽ càng thấp. Vì vậy, các đồng minh của Mỹ đang trông chờ bước đi tiếp theo của Nhà Trắng trong vấn đề Syria nếu họ không muốn để mọi việc cho Nga quyết định.


KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục