Báo SGGP ngày 27-11-2008, có bài “ĐBSCL: Đua nhau trồng lúa thơm”, đề cập đến việc nông dân ĐBSCL chạy theo phong trào trồng lúa thơm, mua các giống lúa trôi nổi sản xuất… Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS.TS Dương Văn Chín – Viện phó Viện Lúa ĐBSCL cho biết: vụ lúa đông xuân 2008-2009, ĐBSCL có khoảng 1,6 triệu ha và cần khoảng 160.000 tấn lúa giống. Vụ đông xuân này, hiện tượng thiếu lúa giống xảy ra gay gắt hơn: Nhiều nông dân bỏ giống lúa IR 50404, tìm các giống lúa khác trồng. Nông dân cần lưu ý, nhiều giống lúa có khả năng thay thế giống IR50404 không phải tất cả đều là giống lúa thơm đặc sản…
Có nhiều giống trong những giống khuyến cáo là giống lúa cao sản chất lượng cao. Lúa thơm đặc sản ngắn ngày chỉ có Jasmine 85 và VĐ20. Trong năm 2008, có 6 giống lúa chất lượng cao được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chấp nhận là: OMCS 2000, OM 3536, OM 2527, OM 2717, VNĐ 95-20, IR 64. Qua thống kê, đánh giá giống trong hai vụ ĐX 2006-2007 và 2007-2008 tại 10 tỉnh thành vùng Đông và Tây Nam bộ cho thấy 3 giống đạt được thành tích cao nhất là OM 4900, OM 6073 và OM 6162. Theo PGS.TS Dương Văn Chín, khi chọn giống lúa “ưng ý”, nông dân cần liên hệ với cơ quan nông nghiệp địa phương, các cấp hội nông dân để tìm nguồn lúa giống từ các doanh nghiệp, câu lạc bộ, HTX có nhân những giống lúa đó mua về để chuẩn bị gieo sạ; hạn chế đến mức thấp nhất mua các giống lúa “trôi nổi” không rõ nguồn gốc.
C.Phong