TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước được Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Thông qua đề án, các ngành chức năng sẽ thiết lập được hệ thống kiểm tra xuyên suốt từ sản xuất đến lưu thông, phân phối nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người dân TP. Trên thực tế, quá trình triển khai đề án vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Giám sát trên 70% sản lượng nông sản đưa về TPHCM
Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” được Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2011 và đến tháng 6-2013 mới có cơ sở pháp lý để tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi. Theo đó, TPHCM đã tiến hành thành lập Ban quản lý Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” (BQL), trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng, đồng thời ban hành các văn bản để triển khai đề án.
Với đề án này, bước đầu TPHCM đã chọn 3 nhóm hàng để thực hiện chuỗi, gồm rau củ quả; thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Cụ thể, với chuỗi sản phẩm thực phẩm gồm có rau muống hột, khổ qua, dưa leo, cà chua, cải bắp, cà rốt; chuỗi sản phẩm động vật có trứng gà, thịt gà, thịt heo; chuỗi thủy sản có tôm nuôi, cá tra, điêu hồng và cá nục.
Pha lóc thịt heo nuôi theo Chuỗi thực phẩm an toàn tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Tính toán của các sở, ngành cho thấy, mỗi ngày TPHCM có nhu cầu tiêu thụ từ 1.000 - 1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo từ 8.000 - 10.000 con, từ 800 - 900 con trâu bò, từ 100.000 - 120.000 con gia cầm; mỗi năm, TPHCM cũng tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn rau và 170.000 tấn thủy sản. Trong khi đó, TPHCM hiện mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20% - 25% nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm hàng ngày. Số còn lại là do các tỉnh, thành khác cung cấp. Do vậy, đối với từng chuỗi sản phẩm, BQL đã tiến hành chọn các địa phương thực sự có thế mạnh để phối hợp triển khai.
Đối với chuỗi sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi cục Thú y của 5 tỉnh trong công tác phối hợp xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và phòng chống dịch bệnh, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Tương tự, với chuỗi rau củ quả, TPHCM cũng đã ký hợp tác với Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Riêng chuỗi thủy sản, TPHCM ký kết với 15 tỉnh, thành hiện đang cung ứng nguồn thủy sản cho nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.
Báo cáo tổng kết công tác thực hiện Đề án Chuỗi thực phẩm an toàn tại TPHCM giai đoạn 2011-2015, BQL nhìn nhận, đề án đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm thực phẩm an toàn, đồng thời nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. BQL đề án đã rút ra nhiều kinh nghiệm, hình thành cơ sở pháp lý phù hợp trong quá trình triển khai, làm nền tảng cho việc quản lý, phát triển và mở rộng các sản phẩm chuỗi trong thời gian tới. Hệ thống quản lý chất lượng, các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở tham gia chuỗi ngày càng được cải thiện và sản lượng sản xuất, kinh doanh năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc liên kết và phối hợp với các tỉnh, thành ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn giữa TPHCM và các tỉnh, thành đưa về TPHCM tiêu thụ đã được giám sát trên 70% sản lượng hàng hóa, góp phần nâng cao công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền các mặt hàng trong chuỗi cũng được chú trọng, thông qua các hội nghị, hội thảo, phóng sự, tọa đàm…
Cần chính sách hỗ trợ
Đề án mặc dù được duyệt vào năm 2011 nhưng về cơ bản mới được hình thành, do đó sản lượng sản phẩm thuộc chuỗi chưa đáp ứng tỷ lệ như kế hoạch đã đề ra và chủng loại sản phẩm tham gia còn ít. Tình trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, lẻ nên việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như GAP, GMP, HACCP còn gặp nhiều khó khăn, chưa được phổ biến. Hiện công tác truyền thông cho chuỗi thực phẩm an toàn chủ yếu là lồng ghép vào truyền thông về an toàn thực phẩm, chưa có chuyên sâu về đề án chuỗi nên người tiêu dùng chưa biết các sản phẩm trong chuỗi.
Cũng theo BQL, tình hình sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, quả; chất cấm trong sản phẩm thịt gia súc vẫn còn tồn tại, đặc biệt đối với nguồn sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh cung ứng cho thị trường TP, nhưng việc kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập. Chưa có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan chức quản lý nhà nước các tỉnh trong việc kiểm tra từ gốc, tức cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất tạo màu công nghiệp, bảo quản không đúng mục đích cũng là nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Để đề án triển khai đạt hiệu quả, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng BQL đề án, kiến nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho cơ sở tham gia chuỗi, nhất là cho cơ sở nuôi trồng tập trung về giá thuê đất, thuế, vốn… Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất trong các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trong việc phối hợp quản lý, đẩy nhanh tốc độ phát triển thực hành sản xuất tốt theo Quyết định 01/2012 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có các giải pháp quản lý tốt quá trình nuôi trồng đến sản xuất để các cơ sở có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi và phối hợp chặt chẽ với TPHCM để thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn.
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có quy định về chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm động vật, thực vật và thủy sản từ gốc để dễ dàng truy suất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Xem xét việc thống nhất về cách thức nhận dạng, thực hiện chuỗi đối với một sản phẩm mà tham gia nhiều chuỗi có cùng nội dung (như chuỗi thịt, chuỗi rau của ban điều phối do bộ này chủ trì; chuỗi thực phẩm an toàn do TPHCM chủ trì; các chuỗi thực phẩm tương ứng ở các tỉnh do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh thực hiện với các bước tương đương và sử dụng logo khác nhau).
Về phía TPHCM, cần tổ chức hội nghị ký kết giữa UBND TPHCM với UBND các tỉnh, thành trong việc phối hợp chỉ đạo quản lý và tiêu thụ nguồn nông sản từ sản xuất đến kinh doanh. Tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, có giới thiệu và quảng bá các cơ sở đã được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin để nâng mức độ hiểu biết của người dân, hỗ trợ tốt hơn cho các cơ sở phát triển sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn.
UYỂN NHƯ
|