Thượng viện Mỹ ngày 12-5 đã gây cú sốc cho Nhà Trắng khi tất cả thượng nghị sĩ (TNS) đảng Dân chủ bỏ phiếu phủ quyết dự luật trao quyền xúc tiến thương mại (hay còn gọi là đàm phán nhanh - TPA) cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Số phiếu ủng hộ chỉ là 52/100 trong khi số phiếu cần thiết là 60/100.
TPA sẽ cho phép tổng thống trình các hiệp định thương mại lên Quốc hội bỏ phiếu thông qua mà không sửa đổi. Điều này giúp Mỹ có thể đạt thỏa thuận thương mại với nhiều nước, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước châu Á-Thái Bình Dương đang trong giai đoạn hoàn tất đàm phán. Vấn đề không phải là Thượng viện chống lại TPP mà họ muốn ràng buộc một số dự luật khác. Vì vậy, sau cuộc bỏ phiếu, 10 TNS đảng Dân chủ đã tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Barack Obama và ngay sau đó, ngày 13-5, các TNS Mỹ đã đạt thỏa thuận để chuẩn bị bật đèn xanh cho việc trao quyền TPA cho tổng thống.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhận định rằng việc Thượng viện phủ quyết TPA của Tổng thống Barack Obama chỉ mang tính chất “thủ tục”.
Theo tờ The Washington Post, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, TNS đảng Cộng hòa Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số, TNS đảng Dân chủ Harry M. Reid đã công bố kế hoạch theo yêu cầu của đảng Dân chủ, theo đó có thêm dự luật nhằm chống thao túng tiền tệ như những gì mà Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc ép giá đồng nhân dân tệ để hưởng lợi xuất khẩu. Dự luật này không được Nhà Trắng ủng hộ mà cũng không liên quan gì đến TPP nhưng được nhiều nghị sĩ từ các bang miền Trung Tây ủng hộ. Nguyên nhân là do các bang này bị ảnh hưởng nặng nề trong các hoạt động sản xuất và tình trạng thất nghiệp tăng cao trong hai thập kỷ qua do hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Nhà Trắng cho rằng đưa điều khoản về tiền tệ vào sẽ làm hỏng cuộc đàm phán thương mại quốc tế và có thể châm ngòi cho chiến tranh thương mại, chưa kể đến hạn chế khả năng của Mỹ trong việc quản lý tiền riêng của mình. Ngoài ra, Thượng viện Mỹ cũng sẽ xem xét dự luật để giúp công nhân nước này, những người mà theo như tuyên bố của Bộ Lao động Mỹ đã bị mất việc vì các nhà máy tại Mỹ chuyển sang nước ngoài để tìm nguồn lao động rẻ.
Cuối cùng, Thượng viện Mỹ và Tổng thống Obama đồng ý tách rời TPA, dự luật về thao túng tiền tệ và dự luật về công bằng thương mại thành 3 dự luật riêng biệt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, nếu Thượng viện thông qua TPA cho Tổng thống Obama thì vẫn còn cản ngại lớn tại Hạ viện và nhiều khả năng Tổng thống Obama sẽ dùng quyền phủ quyết. Khi đó, số phận TPP có thể sẽ phải kéo dài hơn dự kiến thay vì vào đầu tháng 6. Nguyên nhân chính mà nhiều Hạ nghị sĩ không muốn thông qua TPA cũng là do lo ngại các hiệp định thương mại mới ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm của người dân Mỹ. Các công đoàn lao động truyền thống của Mỹ cảnh báo một hiệp định thương mại mới sắp tới sẽ gây thiệt hại cho 40% nền kinh tế thế giới.
Hơn thế nữa, bằng ràng buộc giữa TPA với quyền lợi của các nhà sản xuất trong nước và của người lao động Mỹ, các nghị sĩ của đảng Dân chủ không muốn mất phiếu bầu của cử tri cho cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2016.
THỤY VŨ