
Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm và binh nhì Nguyễn Văn Thạc đang tạo nên một sự kiện. Đã lâu lắm rồi mới có những cuốn sách Việt tạo nên “cơn sốt” trong độc giả như vậy, nhất là “cơn sốt” này được tạo ra bằng máu, bằng sự hy sinh chứ không phải kiểu sốt do “chơi nổi” như một số đầu sách khác.

Theo thông tin mới nhất từ Công ty Phát hành sách Thành phố (Fahasa) thì toàn bộ số sách nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã được bán hết. Ngay sau đó, Fahasa đã phối hợp với NXB Thanh Niên tái bản thêm hơn 10.000 bản sách mới để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Có mặt tại các nhà sách, điều dễ nhận thấy là sức mua của hai tựa sách này rất cao, chỉ trong vòng 20 phút toàn bộ số sách trên quầy đều được bán hết. Khách mua sách thuộc đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất là những bạn trẻ nhưng cũng không thiếu những mái tóc muối tiêu.
Tại quán cà phê Cát Đằng trên đường Trần Quang Khải, hai thanh niên trẻ đang nhờ nghệ nhân viết thư pháp tiếng Việt Bùi Hiến viết vài chữ gửi tặng bạn bè vào cuốn sách Mãi mãi tuổi 20. Hai bạn cho biết đã đọc mấy lần cuốn sách này và nay muốn bạn mình cũng được đọc những dòng tâm sự của một người bạn cùng trang lứa nhưng đã mãi mãi dừng lại ở lứa tuổi 20 cách nay 35 năm.
Bạn Nguyễn Thanh Mỹ, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, vừa lấy cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên kệ sách Nhà sách Nguyễn Huệ vừa nói: “Sau chương trình về anh Thạc trên ti vi em đã đi tìm đọc cuốn hồi ký của anh. Em đọc một mạch và càng đọc càng thấy sợ. Sợ vì sao thời đó họ có thể yêu, có thể sống đẹp đến như thế khi mà cuộc chiến tranh với bao chết chóc, mất mát luôn chực chờ xung quanh. Nghe bạn bè nói cuốn hồi ký của chị Thùy Trâm cũng rất xúc động nên em đi tìm đọc”.
Cầm cuốn sách trên tay, Mỹ tần ngần nói thêm “Em nghĩ những con người ngày ấy rất yêu cuộc sống nhưng họ đã chấp nhận ra đi chấp nhận hy sinh vì họ tin rằng sẽ đem lại hòa bình hạnh phúc cho đất nước sau này. Thế mà nhiều bạn trẻ bây giờ bằng tuổi họ lại bỏ đi tuổi trẻ vì những điều phù phiếm, vô nghĩa.”. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ khi tìm đọc hai cuốn nhật ký.
Bác Nguyễn Xuân Việt, cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2, người mà vào cái năm 1972 đó cũng ở lứa tuổi 20 như Nguyễn Văn Thạc đã xúc động “Cuốn sách làm tôi nhớ lại cái thời đó, đọc nó tôi có cảm giác thời gian đứng lại, cái thời chiến tranh ấy ai cũng biết mình có thể nằm xuống nhưng vẫn ra trận với sự thanh thản nhẹ nhàng khi biết rằng cái chết của mình sẽ đem lại điều hạnh phúc cho mọi người trong đó có những người thân yêu nhất”.
Bây giờ đi đến đâu, từ các trường học, giảng đường đến những công ty, cơ quan đâu đâu cũng thấy nói về Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Ngay trong cuộc họp tại Công ty cổ phần Bách hóa miền Nam trên đường Tôn Thất Thiệp, gương sống và chiến đấu của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã được dùng làm bài học cho cán bộ công nhân viên noi gương.
Mới đây, Thành đoàn TNCS Hà Nội đã phát động đợt sinh hoạt tuổi trẻ thủ đô học tập gương liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đã lâu lắm mới thấy lại một phong trào học tập gương một liệt sĩ. Quả thật không quá khi nói rằng hai cuốn nhật ký của hai liệt sĩ hy sinh cách nay 35 năm đã làm sống lại những tình cảm về một thời chiến tranh tưởng đã phai nhạt đi theo thời gian nhất là trong giới trẻ. Mong sao, ngày càng có nhiều hơn những hiệu ứng như hai cuốn nhật ký mang lại để một thời hào hùng, bi tráng của dân tộc không bị lãng quên.
LÊ TƯỜNG VÂN