Công bằng trong kinh doanh

Việc sữa bò vắt được hàng ngày của những hộ mới nuôi phải “bán lén”, bằng cách nhờ hộ nuôi bò sữa có ký hợp đồng với nhà máy bán giúp bớt một phần, còn lại buộc phải cho heo uống, thậm chí đổ bỏ nếu chưa ký hợp đồng với nhà máy - không dừng lại ở Long An và Lâm Đồng. Mới đây, một công ty chế biến sữa ở Hà Nội thông báo không ký tiếp hợp đồng tiêu thụ năm 2015 khoảng 350 hộ nuôi bò sữa huyện Gia Lâm, Hà Nội đã đặt ngành bò - sữa vào tình thế chông chênh (Báo SGGP ngày 13-1 có bài viết “Trăng, đèn”).

Người trong cuộc ai cũng hiểu câu chuyện ở đây là do giá sữa thế giới giảm sâu còn khoảng 2.200 USD/tấn sữa bột (trong khi cả năm 2013 và đầu năm 2014 ở mức 5.000 USD/tấn) và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn, trong khi giá sữa tươi mà các doanh nghiệp (DN) chế biến sữa mua của nông dân nuôi bò ở mức 13.000 -14.000 đồng/kg. Tức có khoảng chênh lệch quá lớn.

Chỉ một số DN ký hợp đồng với nông dân phát triển đàn bò sữa hoặc tự đầu tư vùng nguyên liệu như Vinamilk, FrieslandCampina, IDP, Dalat milk… hay đầu tư phát triển đàn bò sữa như Vinamilk, TH milk, tức không phải tất cả các công ty chế biến sữa đều tham gia phát triển vùng nguyên liệu sữa trong nước. Vì vậy, khi giá sữa bột nhập khẩu giảm mạnh nhưng giá sản phẩm sữa bán ra không giảm, những DN chỉ kinh doanh sữa bột và sữa hoàn nguyên hưởng lợi hoàn toàn thay vì cùng san sẻ lợi nhuận với người nuôi như DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu.

Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia kỳ cựu ngành nông nghiệp, cần có sự công bằng trong kinh doanh. Cần xem xét việc nâng thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu và áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với những DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu sữa trong nước. DN nào phát triển vùng nguyên liệu sữa được cấp quota nhập khẩu sữa bột với thuế suất thấp, ngược lại phải chịu mức thuế suất nhập khẩu cao. Nếu giải quyết được điều này, DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu yên tâm đồng hành với nông dân.

Thực tế khi giá sữa nguyên liệu tăng thì DN lập tức tăng giá sữa thành phẩm, nhưng khi giá sữa nguyên liệu giảm như hiện nay, giá sữa thành phẩm vẫn đứng nguyên. Người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao.

Hiện thuế suất nhập khẩu sữa bột không đường khoảng 5% so với mức cam kết khi vào WTO là 10% - 25%, nhưng theo tìm hiểu, việc tăng thuế phải có thời gian nên trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng giải pháp hạn ngạch (quota). Có thể nghiên cứu việc áp dụng “biện pháp tự vệ” trong trường hợp hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về lượng; ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến hoặc đe dọa thiệt hại nói trên. Biện pháp tự vệ được sử dụng để bảo vệ ngành hàng nội địa tránh sự gia tăng đột biến của bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào gây tổn hại ngành nghề trong nước.

Trong một số trường hợp đặc biệt khó khăn, để giúp ngành sản xuất nội địa tránh những đổ vỡ, biện pháp tự vệ được sử dụng. Phải mất một thời gian để nghề nuôi bò sữa phục hồi sau khi bị trì trệ vào đầu thập niên 2000, vì vậy, với tình huống hiện nay cần có sự giải quyết nhanh để hạn chế những tác động xấu đến nghề nuôi bò sữa cả nước, đặc biệt với người nuôi.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục