Công bố việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp

Chiều 29-12, cuộc họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân xung quanh dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức tại Hà Nội.

(SGGP). – Chiều 29-12, cuộc họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân xung quanh dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời là người phát ngôn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, ngày 2-1-2013, bản dự thảo sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời thông qua các cấp chính quyền địa phương, cơ sở để phổ biến cho nhân dân theo dõi, góp ý. “Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có các phương án để đảm bảo đồng bào vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và góp ý vào bản dự thảo”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp lần này là nhằm phát huy quyền làm chủ; huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân; tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nêu tại cuộc họp báo, ông Phan Trung Lý khẳng định: “Dự thảo chính thức chỉ có một phương án, khẳng định chính kiến của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; nhưng trên cơ sở đã tổng hợp, chắt lọc ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học cũng như đã có sự tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Đưa ra một phương án không có nghĩa là “đóng khung”.

Người dân vẫn có thể góp ý về mọi vấn đề trong dự thảo. Những vấn đề mà nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau thì Ban soạn thảo sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp”. Được hỏi bản dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân lần này có khác biệt gì so với dự thảo đã đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, người phát ngôn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, những định hướng cơ bản của bản dự thảo đã trình Quốc hội được giữ nguyên. Trên thực tế, những định hướng này đã được các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao. Tuy nhiên, cũng đã có một số nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Đơn cử, dự thảo lần này đã bổ sung một điều về thiết chế Hội đồng Hiến pháp nhằm thực hiện chức năng xây dựng, bảo vệ Hiến pháp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết thêm, quy định về thành phần kinh tế trong dự thảo lần này cũng có những thay đổi theo hướng chỉ quy định chung mà không định danh cụ thể các thành phần kinh tế. Tuy không quy định riêng về “thành phần kinh tế tư nhân”, song nhiều nội dung có liên quan đến thành phần kinh tế này đã được đề cập đến trong Hiến pháp, như về các hình thức sở hữu, cạnh tranh…

Theo ông Phan Trung Lý, bên cạnh việc công bố toàn văn dự thảo, bản thuyết minh chính thức về dự thảo cũng sẽ được công bố kèm theo để làm rõ các điều khoản có sửa đổi, bổ sung so với Hiến pháp 1992 và lý do sửa đổi, bổ sung. Ngày 8-1, sau khi công bố dự thảo, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Đây là hội nghị trực tuyến, nối cầu truyền hình tới 63 tỉnh thành trên toàn quốc và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục